Tối 28/10, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Đại biểu Quốc hội với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng".
Tối 28/10, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Đại biểu Quốc hội với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng”.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chủ trì Hội thảo.
Thông tin về những thành tựu của y tế dự phòng tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết nhiều dịch bệnh đã được khống chế (SARA,H5N1), không để dịch lớn xảy ra, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi được ngăn chặn, không để xâm nhập vào Việt Nam như Ebola, H7N9… Nhờ làm tốt công tác y tế dự phòng, Việt Nam đã thanh toán bệnh đậu mùa, bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, giảm mắc hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm có vắc xin trong tiêm chủng mở rộng…
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: kết qua khảo sát 30 tỉnh cho thấy, chi trung bình cho 1 tỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia từ 1,37 tỷ- 3 tỷ và chiếm gần 20-30% tổng kinh phí chi sự nghiệp y tế dự phòng. Điều này cho thấy nếu không có nguồn kinh phí Chương trình mục tiên quốc gia, hầu như không có kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Kinh phí cho các chương trình chưa đủ để đảm bảo các hoạt động cần thiết, cụ thể như Chương trình phòng chống sốt xuất huyết kinh phí dành cho công tác viên là hoạt động nòng cốt chỉ bố trí được 22% trên tổng số kinh phí, mức chi rất thấp. Một rào cản nữa đó là tuyển dụng cán bộ của các đơn vị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cơ cấu cán bộ theo vị trí việc làm và khó tuyển dụng được cán bộ đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị y tế dự phòng chưa phù hợp…
Nêu rõ quan điểm phòng bệnh là chính, phòng bệnh tích cực, chủ động, PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị cần đổi mới hệ thống tổ chức y tế dự phòng toàn diện theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối nhằm tăng cường hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động; ngân sách nhà nước đảm bảo cho y tế dự phòng; không cắt giảm kinh phí, cần tăng cho công tác phòng chống dịch, phát triển vắc xin mới, bổ sung vắc xin thế hệ mới, an toàn, hiệu quả cho trẻ em…
Tiêm chủng mở rộng đã được triển khai trên toàn quốc tại hơn 11 nghìn xã, phường, 700 huyện thị của 63 tỉnh, thành phố; 5,1 triệu đối tượng (gồm trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ 1-5 tuổi và phụ nữ) được thụ hưởng hằng năm. Ngành Y tế đã cung cấp miễn 45-50 triệu mũi tiêm chủng hàng năm để phòng 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến nhất liên quan đến sự sống còn của trẻ em.
Đánh giá kết quả triển khai công tác tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2011-2015, GS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng cho biết tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi trong tiêm chủng mở rộng đạt cao trên 90%, tương tự vậy, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai cũng tương đối cao, đạt trên 80%. Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước ước tính đáp ứng được khoảng 24% tổng kinh phí sử dụng trong tiêm chủng mở rộng.
Qua thực tế triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, GS Đặng Đức Anh cho biết tỷ lệ tiêm chủng tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa chưa cao; nhu cầu của người dân về chất lượng và an toàn tiêm chủng ngày càng cao. Một khó khăn nữa là để đảm bảo hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vận chuyển vắc xin tại các tuyến đòi hỏi đầu tư cao, trong khi đó chi trả hỗ trợ công tiêm chủng thấp, thiếu kinh phí vận chuyển vắc xin…
Khẳng định cần tiếp tục duy trì dự án tiêm chủng mở rộng là một dự án ưu tiên cho đối tượng trẻ em và phụ nữ có thai, GS. Đặng Đức Anh cho rằng Nhà nước cần đảm bảo đầy đủ kinh phí cho tiêm chủng mở rộng bao gồm cung cấp đủ vắc xin và vật tư tiêm chủng; hỗ trợ hoạt động nâng cao chất lượng tiêm chủng, đào tạo, tập huấn, giám sát hỗ trợ; tăng cường sự quản lý nhà nước của UBND các cấp trong đầu tư, hỗ trợ cho công tác tiêm chủng mở rộng…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu về công tác tiêm chủng mở rộng, kinh nghiệm duy trì tài chính bền vững cho tiêm chủng mở rộng tại một số quốc gia trong khu vực. Những thông tin từ hội thảo này giúp các đại biểu Quốc hội có thêm thông tin, góp phần đề xuất các chính sách liên quan tới y tế dự phòng./.
Theo TTXVN