Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần xử lý mạnh tay đối với hành vi rao bán thông tin cá nhân

05:10, 29/10/2015

Sáng 29/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).

Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 10, sáng 29/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Ngay sau đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật an toàn thông tin mạng. 
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Nguyễn Thùy Trang phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Nguyễn Thùy Trang phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bảo vệ thông tin cá nhân 

Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm thảo luận trong dự thảo Luật an toàn thông tin mạng là bảo vệ thông tin cá nhân trước tình trạng các thông tin này bị phát tán trên mạng. 

Các đại biểu cho rằng số điện thoại và danh tính cá nhân của nhiều người đã bị thu thập và phát tán trái phép, không ít người đã và đang bị quấy rối bởi những tin nhắn mời mua bất động sản, mua bảo hiểm, sim điện thoại. Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng là có thể mua được một danh sách hàng chục ngàn thuê bao di động với đầy đủ tên tuổi, khả năng mua sắm của những người đó. Các đối tượng phát tán tin nhắn rác dễ dàng tiếp cận với danh sách này để phục vụ cho việc “dội bom” quảng cáo của họ. Tình trạng rao bán thông tin cá nhân một cách công khai trên mạng đang gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng này là một vấn nạn cần hạn chế. 

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định ai cũng biết thông tin cá nhân của mình có thể bị phát tán trái phép nhưng không biết phát tán từ đâu, làm thế nào để ngăn chặn. Dự thảo Luật đã đặt ra nhiều quy định tương đối đầy đủ về bảo vệ thông tin cá nhân như trước khi thu thập thông tin cá nhân phải xin phép ý kiến của người đó về phạm vi và mục đích thu thập và sử dụng thông tin. Luật cũng cấm thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác, cấm không được cung cấp chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân thu thập, tiếp cận hoặc kiểm soát được cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo đại biểu, để thực thi được các điều khoản này trên thực tế là thách thức lớn khi chưa có tiền đề cho việc sẵn sàng tuân thủ những quy định trên. Trong khi đó, một số điều khoản trong Luật có tính khả thi chưa cao để các cơ quan Nhà nước kiểm soát được. Việc tuân thủ các quy định này chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của các tổ chức cá nhân có liên quan. 

Đại biểu đề nghị, trước mắt các cơ quan quản lý Nhà nước cần định kỳ và đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, các doanh nghiệp xử lý thông tin cá nhân; thiết lập kênh thông tin trực tuyến tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân về vấn đề liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân, có hình thức tuyên truyền phù hợp về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo thói quen chấp hành vi phạm pháp luật. 

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng bảo vệ thông tin cá nhân là hợp lý, nhưng cần xem xét, trong trường hợp chủ thể đã đồng ý cung cấp thông tin cá nhân thì phải tuân thủ hợp đồng nhằm tránh can thiệp quá sâu của Nhà nước trong quan hệ dân sự. Bảo vệ thông tin cá nhân chỉ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước thì chưa đủ, cần quy định trách nhiệm của nhà mạng. 

Băn khoăn về việc dự thảo Luật không quy định bảo vệ thông tin riêng, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), việc xây dựng bảo vệ thông tin riêng là vấn đề rất khó về mặt công nghệ nhưng thực sự cần thiết trong đời sống ngày nay, khi việc trao đổi, chia sẻ thông tin qua mạng đã trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của đa số người. 

Mặc dù các quy định để bảo vệ thông tin cá nhân cũng là một loại thông tin riêng đã được đề cập trong dự thảo nhưng theo đại biểu cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định bảo vệ thông tin riêng để dự án luật mang tính hoàn thiện và bao quát hơn; đây cũng là đòi hỏi thực tế cuộc sống hiện nay. Việc giải thích của Ban soạn thảo là sẽ quy định những điều này tại những Luật khác có phạm vi điều chỉnh rộng hơn sẽ làm nội dung của Luật đi chậm với sự phát triển của thực tế đời sống. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang). 

Từ nhận thức xây dựng Luật an toàn thông tin mạng sẽ là một trong những cơ hội giảm thiểu những tác động tiêu cực của Internet lên giới trẻ, góp phần làm giảm thiểu nguyên nhân gây nên hiện tượng phạm tội của người trẻ, người chưa từng có tiền án, tiền sự, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các nội dung liên quan đến thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng. Cụ thể là các quy định liên quan tới biện pháp cảnh báo người dùng, ứng cứu khẩn cấp, bổ sung thêm các quyền yêu cầu hủy bỏ, sửa đổi, ngừng cung cấp thông tin của người dùng đối với thông tin cá nhân hay tập thể khi có dấu hiệu bị xâm phạm để nội dung của Luật có thể theo kịp sự phát triển của thực tiễn cũng như bảo đảm tính hiệu quả của Luật khi thi hành. 

Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý Nhà nước về mật mã dân sự

Các đại biểu đều tán thành với quan điểm của Chính phủ là giao cho Cơ quan mật mã quốc gia là Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về mật mã dân sự để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và đảm bảo an ninh quốc gia. Nếu giao cho cơ quan khác sẽ phát sinh bộ máy, gây lãng phí và không sử dụng được nguồn nhân lực đã được dày công đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất và trình độ đang có tại Ban Cơ yếu Chính phủ. 

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang cho biết giao cho Cơ quan mật mã quốc gia là Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về mật mã dân sự cũng phù hợp với thực tế là mật mã dân sự đã và đang được Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý có hiệu quả. Đây cũng là ý kiến của các đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Ngô Văn Hùng (Lào Cai). 

Đại biểu Ngô Văn Hùng cho rằng dự thảo Luật đã quy định thống nhất công tác quản lý mật mã dân sự, quản lý Nhà nước về mật mã. Đây là vấn đề liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia. Mật mã được xác định là một loại công cụ đặc biệt, hiệu quả để bảo vệ an toàn thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước và thông tin không thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước. Vì vậy, thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về mật mã là điều hết sức cần thiết. 

Theo đại biểu, Ban Cơ yếu Chính phủ đã có kinh nghiệm 70 năm quản lý Nhà nước về mật mã, đồng thời cũng có đầy đủ các cơ quan chức năng về mật mã. Việc giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm quản lý Nhà nước về mật mã dân sự như dự thảo Luật là phù hợp với các văn bản pháp luật và quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ yếu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, dự thảo luật quy định giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý Nhà nước về mật mã không gây xáo trộn, Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý hoạt động, nghiên cứu sản xuất kinh doanh và sử dụng mật mã trong khuôn khổ pháp luật, không làm phương hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân. 

Đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị nên trang bị thêm phương tiện kỹ thuật cho Ban Cơ yếu Chính phủ thay vì giao cho cơ quan mới. 

Sửa đổi Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) cho thấy sau gần 10 năm thực hiện, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đã phục vụ tích cực, kịp thời cho yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Luật đã tạo điều kiện cho các bộ, ngành chủ động đề xuất ký kết điều ước quốc tế theo một quy trình thống nhất, tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế một cách đầy đủ, nhịp nhàng, phù hợp với quy định của luật pháp và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, khiến cho việc áp dụng, thực hiện Luật và thực thi điều ước quốc tế thiếu nhất quán, hiệu quả và hiệu lực không cao, chưa đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp cũng như chưa đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của tình hình thực tế. 

Theo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nội luật hóa nhiều quy định của Công ước Viên về Luật các điều ước năm 1969 - một trong những luật quốc tế quan trọng nhất điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia. Luật là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu phục vụ triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần mở rộng quan hệ quốc tế, nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết ngày càng gia tăng, việc sửa đổi Luật hiện hành là nhu cầu cấp thiết, nhằm triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ giữa dự thảo Luật với hệ thống pháp luật trong nước. 

Luật tín ngưỡng, tôn giáo trình Quốc hội lần đầu 

Lần đầu tiên được trình Quốc hội, dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo nhằm điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, cao hơn, phù hợp với Hiến pháp 2013, tương thích với các điều ước quốc tế đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước. 

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của con người. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm cụ thể hóa các quyền con người và cơ chế bảo đảm việc thực thi các quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng. 

Việc xây dựng và ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo là cần thiết./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều