(ĐN)- Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh mới đây, lãnh đạo Phòng GD-ĐT thành phố cho biết, Biên Hòa rất khó giải quyết tình trạng học sinh học ca ba do thiếu đất đai và nguồn vốn....
(ĐN)- Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện các điều kiện đảm bảo thể chất và chất lượng giáo dục ở bậc học mầm non, tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa mới đây, lãnh đạo Phòng GD-ĐT thành phố cho biết, Biên Hòa đã lường trước một số trường học đóng ở các địa bàn đông dân cư sẽ xảy ra tình trạng ca ba như hiện nay, nhưng do quá khó khăn về đất đai, nguồn vốn, nên thành phố không thể giải quyết được. Các ngành chức năng của TP.Biên Hòa cũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh nhiều lần nhưng vẫn chưa gỡ khó được. Do thiếu chỗ học nên nhiều trường phải dồn lớp, tận dụng hết các phòng sinh hoạt bộ môn để làm phòng học, gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Học sinh Trường THCS Trảng Dài học tập trong điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp. Sĩ số mỗi lớp học của trường từ 55 đến 57 học sinh/lớp. |
Cũng theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, từ năm 2011 đến 2015, thành phố vừa xây mới, vừa xây bổ sung được 20 trường tiểu học, 9 trường THCS. Với tình hình mỗi năm tăng hơn 7 ngàn học sinh như hiện nay, trong năm 2016, Biên Hòa phải xây mới được 8 trường tiểu học và THCS với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng mới có thể xóa được ca ba. Để xóa ca ba dứt điểm trong 5 năm tới, thì năm 2017, Biên Hòa phải xây thêm được 6 trường tiểu học, THCS với kinh phí dự trù 330 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng năm ngân sách dành cho xây dựng cơ bản (điện, đường, trường, trạm…) của toàn thành phố là 200 tỷ đồng, ngân sách của tỉnh dành cho thành phố trên dưới 150 tỷ đồng. Như vậy, nếu ưu tiên cho giáo dục thì năm tới, Biên Hòa cũng chỉ xây thêm được 3 trường học. TP.Biên Hòa rất mong lãnh đạo tỉnh sẽ xem xét và có cơ chế riêng trong đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là đối với giáo dục để thành phố sớm thoát khỏi bài toán nan giải ca ba.
Hạnh Dung