Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưa lớn đêm 8-9, nhiều nơi ở TP.Biên Hòa ngập nặng

03:09, 09/09/2015

(ĐN)- Chiều tối ngày 8-9, cơn mưa lớn kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ đã làm nhiều nơi trên địa bàn TP.Biên Hòa bị ngập nặng, thậm chí một số vùng trồng rau màu đã bị thiệt hại...

(ĐN)- Chiều tối ngày 8-9, cơn mưa lớn kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ đã làm nhiều nơi trên địa bàn TP.Biên Hòa bị ngập nặng, thậm chí một số vùng trồng rau màu đã bị thiệt hại...

Tại ấp Vườn Dừa, xã Phước Tân, toàn bộ khu vực giao thông quanh tổ 29 bị ngập sâu trong nước, khiến cuộc sống, đi lại của gần 100 hộ dân nơi đây rất khó khăn (ảnh).

Toàn bộ khu vực giao thông quanh tổ 29 bị ngập sâu trong nước

Bà Nguyễn Thị Hằng, một hộ dân sinh sống nơi đây cho biết: “Cơn mưa đêm qua lớn quá, khoảng 22 giờ thì nước đã ngập rất sâu, tràn vào hầu hết các nhà dân, thậm chí có nơi mực nước dâng lên tới gần 1 mét. Nước chảy trên quốc lộ 51 trắng xóa tràn xuống đây, nhiều người đi làm về không vào nhà được. Cho đến 6 giờ sáng, nước vẫn còn ngập tới bụng”.

Nước lênh láng trong các con hẻm

Do lượng nước quá lớn, thoát không kịp đã ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của các hộ dân tại đây. Gia đình ông Nguyễn Văn Đản, một trong những hộ bị ngập nặng bức xúc: “Đến khoảng 4 giờ sáng, nước đã ngập vào nhà tôi hơn 40 cm, gia đình thức trắng cả đêm để thu dọn đồ đạc đưa lên cao. Đến 7 giờ sáng nay, nước vẫn còn rất lớn, người lớn thì không đi làm được, còn trẻ em quanh đây phải nghỉ học”.

...và tràn vào trong nhà dân...

Cũng theo người dân tại đây cho biết, thì từ đầu mùa mưa đến nay, khu vực này đã bị ngập ba lần. Có lúc chính quyền xã còn đưa xuồng xuống giúp dân sơ tán người và tài sản, nhưng lần này thì không thấy gì cả.

Đến 9 giờ sáng nay,  nước ở đây vẫn rút rất chậm do dòng chảy đổ ra suối Quan đã bị rác thải chặn lại. Tận dụng cơn mưa này, nhiều người không đi làm được tranh thủ giăng lưới bắt được rất nhiều cá.

* Trong khi đó, tại Khu phố 8, phường Tân Phong, cơn mưa lớn kéo dài suốt gần 6 tiếng đồng hồ trong đêm 8-9 đã cuốn trôi 10 hecta rau sạch của 150 hộ dân. Một số hộ dân trồng rau tại đây cho biết, từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 4 khu vực này bị ngập lụt do mưa lớn. Tuy nhiên, đây cũng là lần gây thiệt hại nặng nề nhất trong vòng 7 năm qua.

Các ruộng rau ngả rạp và lẫn với rác sau cơn mưa.
Các ruộng rau ngả rạp và lẫn với rác sau cơn mưa.

Theo ông Đào Xuân Nam, Phó chủ tịch UBND phường Tân Phong, đến sáng 9-9, phường đã phối hợp cùng các phòng chức năng của UBND TP.Biên Hòa rà soát, thống kê con số thiệt hại. Sơ bộ ban đầu ghi nhận, tổng số thiệt hại về hoa màu đang vào vụ thu hoạch khoảng 200 tấn rau, giá trị ước khoảng 1,8 tỷ đồng. Riêng các vật tư, như: phân bón, giống, lưới, hệ thống tưới nước… cũng bị thiệt hại nặng nề, phường đang tiếp tục thống kê con số cụ thể. “Chúng tôi sẽ sớm có kết quả kê khai số tài sản thiệt hại của bà con. Sau khi hoàn thành sẽ báo cáo UBND TP.Biên Hòa, kiến nghị có hướng hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả”- ông Nam cho biết thêm.

Người dân đang dọn dẹp lại khu vực bờ suối, cống thoát nước sau cơn mưa.
Người dân đang dọn dẹp lại khu vực bờ suối, cống thoát nước sau cơn mưa.

* Tại phường Long Bình Tân, diện tích bị ngập cũng lên đến khoảng 20.000m2, trong đó có khoảng 600 nhà dân ở KP.I, KP.2 và KP.3 chìm trong nước. Điểm ngập sâu nhất là tổ 7 và tổ 10, KP1 với mực nước dâng cao đến 1,8m. Ông Phạm Bá Khuê, cư ngụ tại tổ 10 cho biết, khu vực ông ở thường xuyên bị ngập sau mưa, nhưng trận ngập vừa rồi là nặng nhất trong 10 năm nay. Phải hơn 3 tiếng đồng hồ lượng nước mới rút hết, chậm hơn trước đây khoảng 1 tiếng. Mỗi lần nước ngập là khu vực này gần như bị cô lập hoàn toàn, không ai dám di chuyển ra bên ngoài vì sợ bị nước cuốn. Con gái ông Khuê đi làm công nhân ca ba khi tan ca đã phải ngủ nhờ ở nhà người quen vì không thể vào nhà được.

Dù đã nâng nền lân cao gần 1,4m nhưng nhà chị Hoàng Thị Lài, tổ 10 vẫn bị nước tràn vào nhà sau cơn mưa chiều 8-8
Dù đã nâng nền lên cao gần 1,4 mét, nhưng nhà chị Hoàng Thị Lài, tổ 10 vẫn bị nước tràn vào nhà sau cơn mưa chiều 8-9

Do mực nước dâng lên rất nhanh nên nhiều nhà dân trở tay không kịp, đồ gia dụng và các thiết bị điện tử như: tivi, tủ lạnh, máy giặt...của nhiều gia đình bị hư do ngập nước. Sau khi nước rút, lượng rác và bùn đọng lại trong khu dân cư và nhà dân từ 10- 20cm bốc mùi tanh nồng, gây ô nhiễm môi trường. Đến 9 giờ sáng ngày 9-9 nhiều nhà vẫn chưa thu dọn xong hậu quả do trận ngập để lại. Nhiều cư dân cho biết, họ phải thức trắng đêm vì không có chỗ ngủ, đồng thời phải thức để di chuyển đồ đạc và vì lo sợ mực nước diễn biến bất thường.

Anh Bùi Văn Hoà, nhà ở tổ 7, KP.1 , phường Long Bình Tân chỉ mực nước ngập sau cơn mưa vào chiều tối ngày 8-8
Anh Bùi Văn Hoà, nhà ở tổ 7, KP.1, phường Long Bình Tân chỉ mực nước ngập sau cơn mưa vào chiều tối ngày 8-9

Sau khi nước rút, sân trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, ở tổ 14, KP.1, phường Long Bình Tân trông như một khu ruộng. Thầy Phan Quang Vinh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, mùa mưa năm nay trường đã bị ngập đến 7 lần, tuy nhiên lần này là ngập nặng nhất, mực nước tại sân dâng khoảng 1,2m. Do nhiều lần bị ngâm trong nước nên các phòng học ở tầng trệt đều bị xuống cấp, tường bị ngấm nước và nền gạch thì bị bong tróc...

Ngoài khu dân cư, nhiều đoạn đường giao thông đi qua khu vực như: Quốc Lộ 51 đoạn từ giáo xứ Bến Gỗ tới giáp ranh xã An Hoà mực nước ngập gần 1m kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ. Đường Võ Nguyên Giáp, đoạn ngay vòng xoay cổng 11 cũng bị ngập tương tự.

Sau khi nước rút, sân trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, ở tổ 14, KP.1, phường Long Bình Tân trông như một khu ruộng. Thầy Phan Quang Vinh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, mùa mưa năm nay trường đã bị ngập đến 7 lần, tuy nhiên lần này là ngập nặng nhất, mực nước tại sân dâng khoảng 1,2m. Do nhiều lần bị ngâm trong nước nên các phòng học ở tầng trệt đều bị xuống cấp, tường bị ngấm nước và nền gạch thì bị bong tróc...  Ngoài khu dân cư, nhiều đoạn đường giao thông đi qua khu vực như: Quốc Lộ 51 đoạn từ giáo xứ Bến Gỗ tới giáp ranh xã An Hoà mực nước ngập gần 1m kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ. Đường Võ Nguyên Giáp, đoạn ngay vòng xoay cổng 11 cũng bị ngập tương tự.
Một hộ dân ở tổ 23, KP.3, phường Long Bình Tân dọn dẹp sau trận ngập

Theo lãnh đạo UBND phường Long Bình Tân, thì nguyên nhân gây ngập trong khu dân cư là do lượng nước mưa từ Hố Nai và các khu công nghiệp Amata, khu công nghiệp Long Bình, Biên Hoà II... đều đổ dồn về khu vực Long Bình Tân để thoát ra sông. Trong khi đó, đường thoát nước duy nhất là suối Bà Lúa lại không đảm bảo nên nước chảy tràn qua khu dân cư. Ngoài ra, lượng nước chảy từ Long Bình, xã Phước Tân theo suối Cầu Quan qua quốc lộ 51, do đường thoát nước từ hướng Long Bình Tân qua khu vực dự án khu du lịch sinh thái Sơn Tiên bị hạn chế dòng chảy, thoát không kịp nên dội ngược về các khu dân cư tổ 23, 24 phường Long Bình Tân và ấp Hương Phước, Vườn Dừa (xã Phước Tân) gây ngập úng, tràn ra đường Võ Nguyên Giáp gây ách tắc giao thông.

* Ông Bùi Hữu Huệ, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, cơn mưa lớn tối ngày 8-9 tại TP. Biên Hòa kéo dài từ hơn 18 giờ đến 21 giờ đã làm nhiều con đường ngập sâu trong nước. Trong đó, có một số tuyến đường, khu vực thuộc phường Long Bình Tân, Thống Nhất, Trảng Dài... nước ngập sâu hơn 1 mét, như khu vực đường Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, Hưng Đạo Vương, 30-4 (gần vòng xoay Biên Hòa). Lượng mưa đo được trong đêm lên đến gần 100 mm. Đây là cơn mưa lớn nhất tại TP.Biên Hòa từ đầu mùa mưa 2015 đến nay. Cơn mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt sâu, khiến các phương tiện lưu thông gần như tê liệt trong nhiều giờ liền. Những hộ dân sống ở những khu vực ngập sâu phải di tản. Đến trưa ngày 9-9, nước mưa gây ngập ở một số khu vực vẫn chưa rút hết.

 Đến trưa ngày 9-9 vẫn còn ngập ở cầu Suối Quan phường Long Bình (TP. Biên Hòa). Ảnh K.Giới
Đến trưa ngày 9-9, nước vẫn còn ngập ở cầu Suối Quan, phường Long Bình (TP. Biên Hòa). Ảnh K.Giới

Hiện nay, hệ thống thoát nước tại TP. Biên Hòa đều đã xuống cấp và quá tải nên chỉ cần một cơn mưa rào lớn kéo dài khoảng 15 phút trở lên là đã gây ngập ở nhiều tuyến đường trong nội ô. Theo ông Huệ, cơn mưa tối ngày 8-9 là do sau 1-2 ngày không mưa, thời tiết nắng nóng gặp gió mùa Tây Nam thổi về với cường độ mạnh đã gây mưa lớn. Đây là hiện tượng bình thường của thời tiết trong mùa mưa. Trong tháng 9-2015, có thể sẽ còn xảy ra nhiều cơn mưa lớn tại TP. Biên Hòa cũng như các huyện trong tỉnh.

* Trong khi đó, theo ông Trần Dương Vũ, Phó phòng Quản lý đô thị Biên Hòa, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước mưa thoát không kịp gây ngập úng tại một số khu vực trong thành phố là do hệ thống thoát nước trên địa bàn đã quá cũ kỹ, chưa được kết nối đồng bộ. Bên cạnh đó, việc san lấp mặt bằng để xây dựng các khu dân cư đã làm mất đi các đường thoát nước tự nhiên. Dẫn tình trạng nước ngập nhanh và kéo dài hơn những năm trước. Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước ở TP.Biên Hòa thì phải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước trên địa bàn.  Hiện thành phố đang chờ dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải do Trung tâm thoát nước (thuộc Sở Xây dựng) làm chủ đầu tư. Dự án này sử dụng nguồn vốn ODA (khoảng 12 ngàn tỷ đồng) vay từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Thiên Quyết - Ngọc Liên - Kim Liễu - Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều