Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 190 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức

04:09, 27/09/2015

(ĐN)- Sáng 26-9, Trung tâm văn hóa Trấn Biên đã tổ chức kỷ niệm 190 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức (1825 – 2015): một nhà thơ, nhà văn, nhà sử gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 18...

(ĐN)- Sáng 26-9, Trung tâm văn hóa Trấn Biên đã tổ chức kỷ niệm 190 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức (1825 – 2015). Đồng chí Bùi Quang Huy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tới dự, giới thiệu cho hơn 150 đại biểu, học sinh về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức.

Đồng chí Bùi Quang Huy đang giới thiệu với các đại biểu, học sinh về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời của Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức
Đồng chí Bùi Quang Huy đang giới thiệu với các đại biểu, học sinh về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời của Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức

Trịnh Hoài Đức là nhà thơ, nhà văn, nhà sử gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 18. Ông sinh năm 1765, tại Bình Trước, dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay), tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, là học trò của Võ Trường Toản. Năm 23 tuổi, ông thi đỗ và được bổ chức Hàn lâm viện chế cáo, ngày càng được vua Gia Long trọng dụng. Trịnh Hoài Đức lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy cai trị của nhà Nguyễn.

Các đại biểu dâng hương tại nhà Bái Đường
Các đại biểu dâng hương tại nhà Bái Đường

Ông mất năm Ất Dậu 1825, thọ 60 tuổi. Đương thời, vua Minh Mạng vô cùng thương tiếc, truyền bãi triều 3 ngày. Thi hài ông được rước từ kinh đô Huế vào thành Gia Định. Hiện nay, lăng mộ Trịnh Hoài Đức tọa lạc tại khu phố 3, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa.

Học sinh dâng hương
Học sinh dâng hương

Sinh thời, tuy làm quan to nhưng Trịnh Hoài Đức nổi tiếng thanh liêm, suốt đời sống thanh bạch. Cùng với Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh, ông lập ra nhóm Bình Dương thi xã, được người đời xưng tụng là Gia Định tam gia. Ông để lại hai tập thơ: Cấn Trai thi tập và Bắc sứ thi tập. Thơ Trịnh Hoài Đức bộc lộ tình yêu sâu đậm đối với quê hương, làng cảnh Việt Nam. Tác phẩm Gia Định thành thông chí mà Trịnh Hoài Đức để lại là bộ sách lịch sử, địa lý, văn hóa ra đời sớm và có giá trị nhất về miền Đất Nam bộ thời bấy giờ. Công trình đã được người Pháp dịch và xuất bản ở Paris từ năm 1863 và trở thành tài liệu vô giá cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về miền Nam.

Học sinh Trường THPT Trịnh Hoài Đức, huyện Trảng Bom tại lễ tưởng niệm
Học sinh Trường THPT Trịnh Hoài Đức, huyện Trảng Bom tại lễ tưởng niệm
Học sinh thăm, tìm hiểu lịch sử tại Vườn tượng Danh nhân
Học sinh thăm, tìm hiểu lịch sử tại Vườn tượng Danh nhân
Đại biểu, giáo viên, học sinh chụp hình lưu niệm tại Văn miếu Trấn Biên
Đại biểu, giáo viên, học sinh chụp hình lưu niệm tại Văn miếu Trấn Biên
Thầy trò Trường THPT Trịnh Hoài Đức chụp hình lưu niệm bên tượng Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức
Thầy trò Trường THPT Trịnh Hoài Đức chụp hình lưu niệm bên tượng Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức

Tin và ảnh: Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều