Ngày 27-8, đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã làm việc với Công an tỉnh và Ban chỉ đạo 389 tỉnh để xác định Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong có sản xuất phân bón giả hay không...
Ngày 27-8, đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) Quốc gia đã làm việc với Công an tỉnh và Ban chỉ đạo 389 tỉnh để xác định hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón tại Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (gọi tắt Công ty Thuận Phong, KP.7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) có vi phạm pháp luật hay không, vì công ty bị nghi sản xuất phân bón giả.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh chủ trì buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, sau khi nhận được đơn thư tố cáo của người dân về việc Công ty Thuận Phong có hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 đã cử tổ công tác bí mật theo dõi.
* Phân bón Mỹ sang chiết, đóng gói tại Đồng Nai
Ngày 24-4, đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã trực tiếp đến kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty Thuận Phong. Tại đây, cùng với lực lượng liên ngành 389 của tỉnh, đoàn kiểm tra xác định Công ty Thuận Phong sản xuất, kinh doanh khoảng 50 mã hàng phân bón, như: NPK, phân bón hữu cơ sinh học và phân bón nhập khẩu từ Mỹ. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện một số công nhân đang sang chiết, đóng gói loại phân bón được nhập khẩu từ Mỹ. Kiểm kê sơ bộ, đoàn xác định có 3.224 chai phân bón các loại (tương đương hơn 4 tấn) được dán nhãn hàng hóa xuất xứ từ Mỹ (MADE IN USA). Đoàn kiểm tra còn phát hiện 148kg nhãn hàng hóa đều ghi MADE IN USA; hơn 95kg nhãn phụ các loại; 1.520 tem niêm phong nhãn hiệu HUMA GRO. Đặc biệt, tại khu vực lò hơi, đoàn phát hiện nhân viên đang đốt màng co mang nhãn hiệu TICO và đã tạm giữ hơn 12kg màng co đã bị cháy sém.
Qua kiểm tra sổ sách công ty xác định, từ tháng 1-2014 đến thời điểm bị kiểm tra, Công ty Thuận Phong đã bán ra thị trường hơn 40 ngàn chai phân bón (tương đương hơn 23 ngàn lít) dạng nước xuất xứ từ Mỹ. Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong, xác nhận số nhãn mác của lô hàng được in ấn tại Việt Nam.
Sau khi làm việc, đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số tang vật nói trên và tiến hành lấy 29 mẫu các loại phân bón đưa đi giám định. Kết quả, có 19/29 mẫu phân bón của Công ty Thuận Phong không đạt các chỉ tiêu về chất lượng như đã ghi trên nhãn mác sản phẩm. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia xác định hành vi của Công ty Thuận Phong có dấu hiệu của tội phạm hình sự, gồm: kinh doanh trái phép và sản xuất hàng giả, nên đề nghị Công an tỉnh vào cuộc điều tra.
Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh xác định Công ty Thuận Phong đã vi phạm về việc kinh doanh không đúng địa điểm và chưa đủ điều kiện; ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ đã vi phạm một số quy định. Việc sang chiết, đóng chai sản phẩm phân bón nhập khẩu từ Mỹ đã vi phạm các quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra cũng xác định ông Tường có dấu hiệu phạm tội kinh doanh trái phép nên cần phải củng cố hồ sơ để xử lý.
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng điều tra, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vẫn chưa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ việc này.
* Có dấu hiệu tội phạm hình sự
Sau khi nghe báo cáo của các bên liên quan, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công an tỉnh, nhận định kết quả điều tra ban đầu cho thấy hoạt động của Công ty Thuận Phong có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Tuy nhiên, đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa thu thập đầy đủ các hồ sơ, chứng cứ nên chưa ra quyết định khởi tố đối với vụ việc này.
Theo Thiếu tướng Khánh, quá trình kiểm tra cho thấy nhiều dấu hiệu khuất tất trong quá trình sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong. Thiếu tướng Khánh lý giải, nếu không có sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón thì tại sao khi đoàn kiểm tra vào làm việc và lập biên bản lại có chuyện nhân viên của công ty tiêu hủy số nhãn mác sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm của Công ty Thuận Phong là nhập khẩu, nhưng nhãn mác lại được in ấn ngay tại TP.Biên Hòa. Trong khi đó, tại thời điểm đoàn kiểm tra vào làm việc, phía Công ty Thuận Phong không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến sản phẩm. “Anh là nhà sản xuất thì giấy tờ pháp lý về sản phẩm phải luôn để kè kè bên mình chứ” - Thiếu tướng Khánh phân tích.
Một vấn đề khác được Thiếu tướng Khánh nêu ra tại cuộc họp là Công ty Thuận Phong đã có “tiền sử” về hành vi sản xuất hàng giả. “Mặc dù thời hạn để áp dụng vào việc xử lý đối với hành vi của công ty đã hết, nhưng cơ quan điều tra cũng phải cân nhắc thông tin này để có biện pháp xử lý cho phù hợp” - Thiếu tướng Khánh đề nghị. Theo Thiếu tướng Khánh, đây là những cứ liệu rất quan trọng để cơ quan điều tra xem xét củng cố hồ sơ trước khi ra quyết định xử lý đối với sai phạm của Công ty Thuận Phong.
Thiếu tướng Khánh đã đề nghị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh tập trung lực lượng, cử cán bộ điều tra dày dạn kinh nghiệm điều tra, nhanh chóng kết thúc vụ việc để tránh gây hoang mang cho người dân. Việc điều tra, xử lý phải đúng quy định pháp luật, không được làm oan sai nhưng cũng không để bỏ lọt tội phạm.
Trần Danh