Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động cũng được công bố sáng cùng ngày.
Luật tổ chức Chính phủ 2015 có 4 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ (so với Luật cũ, bổ sung 2 điều, một điều quy định về trách nhiệm của Thủ tướng chính phủ (Điều 29) và một điều quy định về Phó Thủ tướng Chính phủ (Điều 31).
Quang cảnh buổi công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 11 Luật, 1 Pháp lệnh và 1 Nghị quyết. |
Luật cũng quy định những điều rất mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (7 điều, chương IV). Đây là chương mới so với Luật tổ chức Chính phủ năm 2011. Nội dung chương này đã có quy định tách bạch nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ (Điều 33) với nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 34).
Quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý (Điều 37). Theo đó, số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6.
Giới thiệu về nội dung cơ bản của Luật nghĩa vụ quân sự, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, Luật nghĩa vụ quân sự gồm 9 chương với 62 điều, có những quy định mới, rõ hơn so với Luật hiện hành. Luật bổ sung quy định: Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
Công dân tham gia dân quân tự vệ, nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên; Cán bộ, công chức, viện chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị; Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tài đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng chính phủ quyết định; công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư đủ 24 tháng trở lên thì được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình.
Luật nghĩa vụ quân sự cũng đã quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng (thay vì 18-24 tháng trước kia). Về độ tuổi gọi công dân nhập ngũ cũng được thay đổi so với Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành. Luật hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 đến hết 25 tuổi, nay Luật bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ để học chương trình đào tạo đại học, cao đẳng.
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu về Pháp lệnh Cảnh sát môi trường. |
Luật nghĩa vụ quân sự đã quy định rõ hơn về đối tượng tạm hoàn gọi nhập ngũ trong thời bình là đối tượng học sinh phổ thông, sinh viên đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo; quy định rõ hơn đối với trường hợp công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.
Đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi nhập ngũ.
Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thì được gọi nhập ngữ và bảo lưu hết quả, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ sẽ được tiếp nhận để học tập.
Để bảo đảm chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, dự án Luật đã bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
Giới thiệu về nội dung cơ bản của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, hoạt động của Cảnh sát môi trường mới được quy định bằng Nghị định 72/2010/NĐ-CP ngày 8/7/2010 quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường và văn bản hướng dẫn của Bộ Công an mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn, quy định đầy đủ, toàn diện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường, cũng như trách nhiệm việc ban hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường để quy định toàn diện về các vấn đề quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Vì vậy, việc ban hành Pháp lệnh này là để quy định toàn diện về các vấn đề nêu trên, là đòi hỏi khách quan và yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường tại Pháp lệnh Cảnh sát môi trường đã có nhiều thay đổi, gồm 2 điều (Điều 7 và 8 chương II). Điều 7 Pháp lệnh quy định 13 nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường, như: tiến hành điều tra các tội phạm về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của pháp luật; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính hoặc khi có tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm hành chính theo quy định của luật; trong trường hợp cần thiết, cấp bách được quyền huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của luật….
Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người lao động được công bố đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Nghị quyết khẳng định người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014.
Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Mức hưởng BHXH một lần đói với người tham gia BHXH tự nguyện được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Theo CAND