(ĐN)- Sáng 1-7 (nhằm 16-5 âm lịch), tại Di tích cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Sở VHTT-DL cùng Ban quý tế Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức lễ giỗ thứ 315 của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh...
(ĐN)- Sáng 1-7 (nhằm 16-5 âm lịch), tại Di tích cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (còn có tên gọi khác là đình Bình Kính, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), Sở Văn hóa – thể thao và du lịch (VHTT-DL) phối hợp cùng Ban quý tế Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức lễ giỗ thứ 315 của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và thực hiện nghi thức khai sắc thần.
Ban quý tế đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh thực hiện nghi thức khai mở sắc thần |
Các đồng chí: Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Huỳnh Văn Tịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện các cơ quan ban ngành của tỉnh, TP.Biên Hòa, xã Hiệp Hòa, cùng ban quý tế các đình, đền và đông đảo người dân thành phố đã về tham dự buổi lễ.
Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (áo xanh) trao đổi cùng học giả Hán học Lý Việt Dũng (ở giữa) trước lễ khai sắc thần |
Tại buổi lễ, Ban quý tế Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã thực hiện nghi thức khai sắc thần - mở 4 sắc phong thần của triều đình phong kiến nhà Nguyễn ban cho Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở cõi nơi vùng đất phương Nam của Tổ quốc. 4 sắc thần này, gồm: sắc phong của vua Minh Mạng vào năm 1823 (Minh mạng tam niên); 2 sắc phong của vua Thiệu Trị vào năm 1844 (Thiệu Trị tam niên) và sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1850 (Tự Đức tam niên). 4 đạo sắc phong thần này đều có điểm giống như 33 đạo sắc phong thần khác đang được lưu giữ tại các đình đền của tỉnh, là: giấy màu vàng, in chìm hình rồng ẩn trong mây, xung quanh có khung hoa văn, mặt sau có vẽ quyển thư, hoa lá. Sắc phong được viết bằng chữ Hán từ phải qua trái, từ trên xuống dưới và có triện đỏ nằm bên góc trái phía dưới niên hiệu của vị vua ban sắc.
Một trong 4 bản sắc thần được khai mở |
Sau khi thực hiện nghi thức mở sắc thần, các đại biểu có mặt tại buổi lễ đã được nghe học giả Hán học Lý Việt Dũng đọc và dịch nghĩa của 4 bản sắc phong thần này. Ngoài nội dung sắc phong, gia phong cho Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh là Thượng đẳng thần, 4 bản sắc phong thần còn cung cấp một số thông tin về tên gọi, đơn vị hành chính của địa danh Trấn Biên dưới thời các vị vua phong kiến nhà Nguyễn. Cụ thể như: sắc phong Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh của vua Minh Mạng năm 1823 (Minh Mạng tam niên) có ghi: đình Bình Kính thuộc Bình An huyện, Bình Kính Đông thôn. Còn 2 sắc phong thần của vua Thiệu Trị năm 1844 (Thiệu Trị tam niên) có ghi đình Bình Kính thuộc Phước Chánh huyện, Bình Hoành thôn.
Học giả Hán học Lý Việt Dũng đọc và dịch nghĩa các bản sắc thần |
Đặc biệt, trong sắc phong của vua Minh Mạng (Minh Mạng tam niên, tức năm 1823) có ghi chi tiết: Phụng ngã Thái tổ Cao Hoàng đế thống nhất hải vũ (dịch nghĩa là: Vâng mệnh Thái tổ Cao Hoàng đế (ở đây chỉ vua Gia Long) thống nhất biển trời).
Theo đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trong sắc phong thần này, vua Minh Mạng không dùng các từ “giang sơn” hay “sơn hà xã tắc” để chỉ sự thống nhất, liền mạnh của đất nước như các triều vua trước vẫn thường sử dụng mà dùng từ “thống nhất hải vũ” cho thấy, vào thời nhà Nguyễn việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia rất toàn diện bao gồm phần đất liền, vùng biển và vùng trời.
Khá đông người dân đến tham dự lễ khai sắc và nghe đọc nội dung sắc thần |
Cũng theo đồng chí Huỳnh Văn Tới, qua gần 200 năm lịch sử nhưng dưới sự bảo quản cẩn trọng của ban quý tế đình và người dân, 4 bản sắc phong thần vẫn còn trong tình trạng khá tốt, chữ viết, ấn triện rõ ràng, tuy nhiên giấy viết sắc đã có nhiều hư hại. Do vậy, sắp tới tỉnh sẽ phối hợp với các nhà khoa học để phục chế lại những sắc phong thần này.
Dịp này, đồng chí Huỳnh Văn Tới cũng thông báo với nhân dân địa phương xã Hiệp Hòa cùng du khách các nơi về tham dự buổi lễ chủ trương, kế hoạch mở rộng, trùng tu Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh của tỉnh Đồng Nai. Tiếp đó, các đại biểu đã cùng nhau thực hiện nghi thức dân hương và lễ vật lên bàn thờ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh nhân 315 ngày giỗ của thần.
Văn Truyên