Báo Đồng Nai điện tử
En

Thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội

11:06, 18/06/2015

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 18/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 và thảo luận về dự thảo Luật phí, lệ phí.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 18/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 và thảo luận về dự thảo Luật phí, lệ phí.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016. (Ảnh: TTXVN)
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016. (Ảnh: TTXVN)
Thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016

Với 87,47% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.

Theo đó Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các nội dung sau đây: Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2016; xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; xem xét, thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV xem xét, thảo luận b áo cáo về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét, thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII và kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV ; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thảo luận về dự thảo Luật phí, lệ phí

Thời gian còn lại của phiên làm việc sang 18/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật phí, lệ phí.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc nâng Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành Luật phí, lệ phí nhằm khắc phục những tồn tại vướng mắc của pháp luật phí, lệ phí hiện hành; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ quan điểm dự thảo Luật không chỉ công khai minh bạch trong chính sách phí, lệ phí mà còn phải quan tâm tới tính công bằng vì thực tế có một số khoản phí, lệ phí thể hiện sự thiếu công bằng khi thu và sử dụng. 

Theo đại biểu, phải giải quyết hài hòa giữa quyền lợi của người dân và cán bộ công chức, vì khi nền kinh tế địa phương phát triển thì người dân phải được hưởng lợi nhiều hơn từ sự phát triển đó. Luật phải tính tới quyền lợi, lợi ích của người dân hợp lý, chứ ko phải khi cung cấp dịch vụ là nghĩ ngay tới chuyện thu phí, lệ phí, đại biểu nêu rõ.

Nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Theo đó, Luật phí và lệ phí chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do cơ quan Nhà nước thực hiện, không điều chỉnh đối với các khoản phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện. Các dịch vụ được thực hiện bởi các tổ chức và cá nhân sẽ được áp dụng theo cơ chế giá dịch vụ nhằm đẩy mạnh xã hội hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) không tán thành với việc dự thảo Luật không điều chỉnh một số loại như học phí, viện phí với lý do đã được quy định tại các luật khác và theo cơ chế giá của thị trường. Theo đại biểu, quy định này không phù hợp với quy định về phí là loại tiền mà mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ. Đồng thời quy định này mâu thuẫn với quy định đưa một số loại phí đã được quy định ở luật khác như phí công chứng, phí bay qua vùng trời vào luật này với lý do là để thống nhất đưa về một mối. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải đưa các khoản phí trường công, bệnh viện công vào dự thảo Luật. 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm có quan điểm khác, tán thành việc chuyển học phí, viện phí sang cơ chế giá là hợp lý. Tuy nhiên , riêng học phí cho cấp phổ thông cần tính toán lại, tránh ảnh hưởng tới quyền học tập của người dân.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân loại phí và lệ phí chưa rõ, chưa tách bạch giữa phí và lệ phí; đ ề nghị rà soát lại tất cả các loại phí, lệ phí, làm rõ khái niệm giá dịch vụ, phí, lệ phí; xác định rõ đối tượng điều chỉnh, các đối tượng trong và ngoài công lập ; làm rõ về nội hàm của từng loại phí, lệ phí. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phân tích, tại Điều 6 dự thảo luật quy định: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (hoặc tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao) cung cấp dịch vụ, được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này. Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan hành chính Nhà nước phục vụ công việc quản lý Nhà nước.”

Quy định như dự thảo đã có sự khác nhau giữa phí và lệ phí. Theo đó phí là trả tiền, mục đích là để cung cấp dịch vụ; chủ thể phục vụ là cơ quan Nhà nước , đơn vị sự nghiệp công lập. Còn lệ phí là nộp tiền; mục đích là để hưởng dịch vụ; chủ thể phục vụ là cơ quan hành chính Nhà nước. 

Tuy nhiên theo đại biểu, giải thích như vậy chưa thỏa đáng. Đại biểu Kim Thúy đặt câu hỏi "được phục vụ khác với được cung cấp dịch vụ như thế nào; cơ quan hành chính Nhà nước sinh ra là để phục vụ công việc quản lý Nhà nước, vậy thì vì sao người dân đã phải đóng thuế mà vẫn phải trả tiền khi được phục vụ.”

Mặt khác, đại biểu nêu thực tế có những việc vừa có phí vừa có lệ phí như án phí, lệ phí toà án; phí sở hữu trí tuệ, lệ phí sở hữu trí tuệ... Đồng thời có những nội dung tương tự nhưng lúc thì gọi là phí, lúc gọi là lệ phí như phí bay qua vùng trời, lệ phí đi qua vùng đất vùng biển, lệ phí ra vào cảng... tạo ra sự không thống nhất. 

Trên cơ sở phân tích này, đại biểu đề xuất Điều 6 cần nêu rõ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cung cấp dịch vụ (dịch vụ công); lệ phí là khoản tiền mà tổ chức và cá nhân phải trả cho những chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, Ban soạn thảo cần rà soát lại các khoản phí và lệ phí để đảm bảo tính nhất quán.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung nguyên tắc thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí là bảo đảm thu hợp lý, thu đúng, đủ, công khai, minh bạch và thống nhất trong quản lý, sử dụng. Theo đại biểu, quy định nguyên tắc này là vì phí, lệ phí liên quan đến dịch vụ công được thực hiện rộng rãi và trực tiếp tới cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, xã hội nên chế độ thu nộp, sử dụng phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cụ thể. 

Đó là việc thu phí, lệ phí phải bảo đảm hợp lý khoản mục thu, mức thu nộp; bảo đảm thu đúng, thu đủ, tránh tình trạng tận thu, lạm thu và lãng thu; bảo đảm phân bổ và sử dụng hợp lý, quản lý thống nhất quy định rõ trách nhiệm của từng cấp quyết định thu, sử dụng nguồn phí, lệ phí; bảo đảm công khai minh bạch. 

Theo đại biểu Lâm Thành, nội dung này phải được xác định là một nguyên tắc cơ bản cần được hiện thực hóa đầy đủ để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người dân cho việc sử dụng dịch vụ nhà nước, để cùng với việc thực hiện nghĩa vụ trao đổi, bảo đảm cơ chế giám sát hiệu quả của cơ quan nhà nước và cộng đồng dân cư.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Danh mục phí, lệ phí kèm theo dự thảo Luật bao gồm 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Danh mục phí, lệ phí quy định trong Dự thảo Luật chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; chưa rõ về tên gọi với nội hàm của một số loại phí, lệ phí. 

Vì vậy, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính cụ thể và nhằm tránh tình trạng phụ thu, lạm bổ tạo gánh nặng đóng góp cho người dân, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, phân loại theo nhóm ngành cụ thể.

Tán thành với danh mục phí và lệ phí trong dự thảo luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng danh mục này đã xác định rõ ràng các khoản phí và lệ phí để đẩy mạnh việc xã hội hóa các dịch vụ công, nhằm cung cấp các dịnh vụ công có chất lượng cao nhất cho người dân. 

Nhiều khoản phí đã được chuyển sang cơ chế giá để phù hợp với luật chuyên ngành đã ban hành. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật này cần phải có nguyên tắc phân cấp rõ ràng để quy định cụ thể danh mục phí, lệ phí loại nào là do Chính phủ quy định, loại nào do Chính phủ phân cấp cho các Bộ, ngành và các Bộ, ngành đó được quy định những loại phí nào; loại nào do chính quyền địa phương quy định. 

“Có như vậy sẽ dễ dàng thực hiện hơn vì khi phân cấp không rõ ràng, thiếu minh bạch sẽ dễ dẫn đến bất cập trong quản lý và sử dụng các nguồn thu từ các loại phí, lệ phí”- đại biểu phân tích. 

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) tán thành với dự thảo quy định nội dung về danh mục phí, lệ phí nhưng đề nghị cần có sự phân định theo nhóm.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí; miễn, giảm phí, lệ phí; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.../.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều