Báo Đồng Nai điện tử
En

"Người ứng cử đại biểu Quốc hội cần 3 năm công tác thực tiễn"

10:04, 10/04/2015

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 37, chiều 9/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 37, chiều 9/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân. 
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo một số vấn đề lớn liên quan đến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân của Ủy ban Pháp luật.

Về điều kiện thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật có quan điểm để có tính khả thi cao hơn, bảo đảm tốt hơn quyền bầu cử, lựa chọn người đại diện cho mình của cử tri, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tất cả những người có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương dưới 12 tháng chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện mà không được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã tại nơi mình tạm trú (khoản 3 Điều 29).

Những người đã có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương từ 12 tháng trở lên được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bầu cử đại biểu ở tất cả các cấp như đối với người đăng ký thường trú để bảo đảm quyền bầu cử, quyền được lựa chọn người đại diện của công dân. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi của quy định này.

Nêu quan điểm về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị bên cạnh những nội dung đã được hiến định, dự thảo Luật cần bổ sung quy định phải có ít nhất 3 năm công tác thực tiễn.

Theo đại biểu, quy định như vậy để phát huy tốt tính đại diện cho nguyện vọng của người dân của đại biểu Quốc hội.

Thảo luận về dự kiến cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng không quy định cụ thể về số đại biểu Quốc hội được bầu là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số mà trong Luật chỉ quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người của cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.

Dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng phải bảo đảm để có ít nhất là 15% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 30% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Điều 8). 

Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nâng tỷ lệ này lên ít nhất là 18% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 35% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều