Cổ tích Việt Nam có truyện kể rằng, một thầy đồ đến ăn giỗ nhà học trò. Giỗ xong, học trò quảy tay nải đưa thầy về.
Cổ tích Việt Nam có truyện kể rằng, một thầy đồ đến ăn giỗ nhà học trò. Giỗ xong, học trò quảy tay nải đưa thầy về. Vốn đã liếc thấy gia chủ xếp bánh cho thầy, nhưng người học trò không nói gì, cứ lầm lũi đi trước dẫn đường, thầy đồ khó chịu: “Ê! Trò! Mi là học trò ta chứ đâu phải thầy ta mà đi trước ta, hả?”.
Học trò lùi lại đi sau thầy. Thầy lại bất bình: “Ta là thầy mi, có phải là tù nhân đâu mà mi đi sau canh giữ ta, hả?”.
Học trò lúng túng, bước lên, đi ngang thầy. Giọng thầy gắt gỏng: “Thằng này láo! Mi là học trò ta chứ đâu phải bạn bè, sao lại muốn ngang hàng cùng ta, hả?”.
Học trò bối rối: “Dạ thưa thầy! Đi trước thầy không cho. Đi sau thầy không chịu. Đi ngang thầy lại mắng. Con biết phải đi thế nào bây giờ?”.
Hết lý do bắt lỗi, thầy hỏi: “Bánh tao đâu?”.
Học trò vỗ vào tay nải: “Bánh đây, con mang cho thầy”. Thầy mới vui vẻ suốt chặng đường còn lại.
Thì ra vậy. Mối quan tâm của thầy là bánh chứ không phải chuyện đi đứng. Ở đời, lợi ích là cốt lõi của hành động. Nhiều khi, nó núp bóng chỗ này chỗ nọ mà làm khổ nhiều người. Nếu lợi ích được đặt ra minh bạch, đồng thuận ngay từ đầu thì đâu có chuyện “Bánh tao đâu?”.
Trực Tử