Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành tại Lễ công bố huyện nông thôn mới

04:01, 25/01/2015

Ngày 24-1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu Nông thôn mới năm 2014 cho huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh. Báo Đồng Nai xin giới thiệu toàn văn Phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành tại buổi lễ...

Ngày 24-1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận danh hiệu Nông thôn mới năm 2014 cho huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh. Báo Đồng Nai xin giới thiệu toàn văn Phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành tại lễ đón nhận danh hiệu Nông thôn mới này:

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành phát biểu về định hướng chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian tới (Ảnh: CôngNghĩa)
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành phát biểu về định hướng chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian tới (Ảnh: Công Nghĩa)

Kính thưa: - Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ,

                 - Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương,

                 - Các đại biểu khách quý,

                 - Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí.

Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu năm mới và chuẩn bị đón mừng Xuân Ất Mùi năm 2015, hôm nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai vô cùng tự hào, phấn khởi vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 và được Chính phủ long trọng tổ chức Lễ công bố danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Mặc dù bận rất nhiều công việc lớn của Đảng, của Chính phủ, song đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, dành thời gian về dự Lễ công bố danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai và trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho hai địa phương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai trong thực hiện chủ trương của Đảng, của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới; đồng thời, cũng là niềm vinh dự vô cùng to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai, trong đó có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh.

 Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai, tôi xin chân thành cảm ơn Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí đại biểu khách quý đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, đại biểu các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ, các đại biểu của tỉnh và huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh đã về dự Lễ công bố danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh, đã cùng chung vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai trong sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phát biểu chỉ đạo sâu sắc của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ tại buổi Lễ công bố danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới hôm nay; những ý kiến chỉ đạo và ghi nhận, biểu dương của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp thêm trí tuệ và sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục cụ thể hóa thành các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ,

Kính thưa quý vị đại biểu khách quý,

Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí,

Mặc dù không phải là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp (công nghiệp, dịch vụ chiếm tỉ trọng đến 94% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; nông nghiệp chỉ chiếm 6% tỉ trọng GDP), nhưng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn nhận thức sâu sắc được vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015; Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai còn nhận thức sâu sắc rằng: trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nông thôn là nơi đã đóng góp chủ yếu và to lớn về nhân tài, vật lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; tuy nhiên nông thôn cũng là nơi chịu nhiều rủi ro trong cuộc sống (người dân nông thôn thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, bệnh tật và chịu nhiều thiệt thòi hơn), luôn phải đối mặt với những rủi ro về kinh tế (mất mùa, thất nghiệp, biến động giá cả thị trường, thu nhập thấp…) nên dễ bị tổn thương, rơi vào tình trạng đói nghèo, lạc hậu, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Đối với người dân khu vực nông thôn ở Đồng Nai từ trước năm 1975 đến khi bước vào thời kỳ đổi mới, ít nhất cũng đã trải qua 3 lần bị tổn thương, đó là những tổn thương, mất mát do chiến tranh tàn phá và những hậu quả to lớn mà người dân nông thôn phải chịu đựng; những tổn thương về tâm lý từ những hệ lụy do chủ quan, nóng vội trong cải tạo nông nghiệp, muốn đẩy nhanh hợp tác hóa nông nghiệp, đã kìm hãm sức sản xuất trong nông nghiệp và đời sống của nông dân, và hiện nay trước những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, những biến động bất thường giá cả, cạnh tranh nghiệt ngã của thị trường, sự chèn ép bất lợi thuộc về nông dân và đã lặp đi lặp lại tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, mặc dù chúng ta vẫn luôn quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng vẫn chưa có lời giải đáp thật sự vững chắc, có hiệu quả cho vấn đề này, vì vậy cuộc sống của người nông dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi, lệ thuộc, bấp bênh và chênh lệch ngày càng xa về đời sống và thu nhập so với cư dân đô thị. Trong quá trình phát triển, Đồng Nai luôn hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững; phát triển đồng bộ và hài hòa công nghiệp - dịch vụ, thương mại và nông nghiệp; cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn xác định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, thường xuyên và cấp bách, là trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác chăm lo xây dựng và phát triển nông thôn; thực hiện có kết quả phong trào xây dựng nông thôn mới, đó cũng chính là một cách thể hiện trách nhiệm đền ơn, đáp nghĩa đối với sự đóng góp, hy sinh xương máu và công sức to lớn của giai cấp nông dân trong các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do, thống nhất, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay.

Xuất phát từ nhận thức trên, trước khi có Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngay từ đầu năm 2007, Tỉnh ủy Đồng Nai đã quyết định chủ trương về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu “4 có”, đó là: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn là phải giải đáp cho được 4 vấn đề và cũng là yêu cầu thực tiễn đặt ra trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân, đó là: Trồng cây gì, nuôi con gì? Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi như thế nào? Bán cho ai, bán ở đâu? Lợi nhuận, thu nhập được bao nhiêu? Xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, nhưng bắt đầu từ đâu hay nói cách khác, vấn đề gì mang tính quyết định để thực hiện được mục tiêu “4 có” ? Đây là bài toán đặt ra cho Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai phải giải đáp có kết quả trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Có phải chăng yếu tố quyết định là tập trung ngân sách nhà nước để có được kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hay là yếu tố tiên quyết nào khác? Vấn đề có ý nghĩa quyết định mà Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã sớm xác định đó là phải bắt đầu từ phát triển sản xuất để nâng cao đời sống và thu nhập của người dân nông dân; giải quyết có hiệu quả bài toán về sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giải quyết thị trường nông sản - thực phẩm để tạo điều kiện cho người nông dân có thu nhập cao, đó cũng chính là trở lại thực hiện đúng với chức năng của nông thôn với nội dung cốt lõi là hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Từ chủ trương lãnh đạo của Tỉnh ủy đến công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai trong quá trình xây dựng nông thôn mới đều xác định phải bắt đầu từ sản xuất, trước hết từ chuyển dịch mạnh, có kết quả về cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng đến xác lập tiêu chuẩn cây, con “4 có”, đó là: Có giá trị kinh tế, năng suất cao; Có chất lượng tốt; Có thị trường tiêu thụ ổn định; Có thu nhập cao cho người nông dân; đồng thời quan tâm chỉ đạo tác động tích cực 4 nhân tố quan trọng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đó là: Đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; Giải quyết thị trường tiêu thụ nông sản; Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; Tổ chức liên kết, hợp tác trong sản xuất  - chế biến - tiêu thụ nông sản. Xác định nông dân là nhân vật trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới, không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà quan trọng hơn, đây là đối tượng quyết định đến việc thực hiện và hiệu quả, thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới. Quá trình xây dựng nông thôn “4 có” ở Đồng Nai, mặc dù trong thời gian ngắn, nhưng đã tạo được cơ sở, nền tảng ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng để Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi quán triệt, triển khai Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (khóa VIII) đã ban hành Kế hoạch số 97 cụ thể hóa Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương; tập trung, tích cực chỉ đạo với tinh thần thống nhất, đồng bộ và quyết liệt hơn bằng nhiều chủ trương, giải pháp, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên toàn địa bàn tỉnh thực hiện phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhất là coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Trong chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và lực lượng vũ trang, nhất là ở cơ sở đã thực hiện nhất quán phương châm 8 chữ: chủ động, tích cực, kiên trì, thường xuyên nhằm tạo nên4 chữ đồng”, đó là: Đồng lòng, đồng thuận, đồng hành và đồng tiến trong quá trình thực hiện; đồng thời trong công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới phải thực hiện có kết quả “4 xóa”, đó là: Xóa tâm lý, tư tưởng ỷ lại, thụ động trông chờ vào ngân sách nhà nước và cấp trên; Xóa vườn tạp, độc canh năng suất thấp, hiệu quả kém; Xóa hủ tục, tập quán lạc hậu và tệ nạn xã hội trong từng gia đình, xóm ấp; Xóa hộ nghèo, người nghèo, xóm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong công tác tuyên truyền luôn chú trọng lấy điển hình từ thực tế phong trào, các mô hình tốt, có hiệu quả để vận động, thuyết phục người nông dân cùng chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, thực hiện phương châm “Huy động hợp lý sức dân để chăm lo cho dân”. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể của các tổ chức trong hệ thống chính trị đều có sự phân công trách nhiệm cho tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu một cách cụ thể, rành mạch, rõ ràng, không chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị: Cấp ủy xã giữ vai trò chủ đạo; Chính quyền đóng vai trò chủ lực trong quản lý, điều hành thực hiện chương trình, kế hoạch; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội giữ vai trò chủ trì nhiệm vụ theo nhóm tiêu chí; Người nông dân giữ vai trò chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, bao gồm cả trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, trên dưới, ngang dọc, trong ngoài của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện đối với từng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể. Coi trọng, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, phát hiện kịp thời những cách làm hay, mô hình tốt để động viên, khen thưởng và nhân rộng. Lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, kết quả xây dựng nông thôn mới là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ, kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cá nhân người đứng đầu các tổ chức ở cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương và Kế hoạch số 97 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh Đồng Nai đã có 52/136 xã xây dựng nông thôn mới hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia (đạt 38,2%/tổng số xã); 47/136 xã đạt từ 14 -18 tiêu chí (chiếm 34,6%); 23/136 xã đạt từ 9 - 13 tiêu chí (chiếm 16,9%); 14 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí (chiếm 10,3%). Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, rõ nét, đó là: Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng phát triển của tỉnh; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2011 -2014 đạt 4,74%/năm; giá trị sản xuất thu hoạch trên 1 ha diện tích trồng trọt và chăn nuôi đến cuối năm 2014 đạt gần 100 triệu đồng/ha; đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện rõ nét, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên; thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2014 đạt 32,58 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh (đối với khu vực nông thôn hộ nghèo thu nhập 650.000 đồng/người/tháng - cao hơn chuẩn quốc gia) đã giảm xuống còn 1,9%. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống ở vùng nông thôn. Môi trường sinh thái khu vực nông thôn ngày càng được chú trọng, hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh, chuồng, trại chăn nuôi được tập trung đầu tư. Dân chủ ở cơ sở ngày càng phát huy, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, đặc biệt là người dân nông thôn đã nhận thức sâu sắc vai trò chủ thể của mình, tích cực đóng góp công sức, tiền của, đất đai để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Điều đó đã thể hiện và chứng minh qua thực tiễn sinh động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay trên toàn tỉnh thực hiện Chương trình với tổng vốn đầu tư 62.734,917 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chỉ chiếm 15%, còn lại là nhân dân và doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng tích cực tham gia đóng góp, đã thể hiện rõ được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ,

Kính thưa các đại biểu khách quý,

Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí,

Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Đồng Nai rút ra một số kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, xin được báo cáo với Thủ tướng và các vị đại biểu, đó là:

Một là, nơi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể của từng địa bàn thì nơi đó tình hình có sự chuyển biến tốt và đạt kết quả cao theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; hiện thực hóa phương châm hành động của cả hệ thống chính trị và người dân, đó là phải đạt được “4 chữ đồng”: Đồng lòng, đồng thuận, đồng hành và đồng tiến, thì dù việc gì khó khăn đến đâu cũng thực hiện được và thực hiện có kết quả.

Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở phải xác định và thể hiện “4 rõ”, đó là: Rõ về trách nhiệm của từng tổ chức; Rõ về nội dung, nhiệm vụ phải thực hiện của từng tổ chức; Rõ về phương thức, biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện của tổ chức mình; Rõ về kết quả đạt được do tổ chức mình tạo ra. Từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng đạt kết quả rõ nét hơn.

Ba là, đối với trách nhiệm của chính quyền, nhất là đối với chính quyền cơ sở phải đảm bảo “4 sâu sát”, đó là: Sâu sát tình hình sản xuất và đời sống của nông dân; Sâu sát với thực tiễn địa bàn cơ sở; Sâu sát với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; Sâu sát với tình hình diễn biến của thị trường nông sản hàng hóa để thực hiện tốt công tác định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ tích cực nông dân phát triển sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, ngày càng nâng cao thu nhập của người nông dân.

Bốn là, đối với cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở phải thực hiện nghiêm, đầy đủ “4 phải”, đó là: Phải ưu tiên tập trung giành thời gian, công sức, trí tuệ để lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; Phải gần gũi, tôn trọng, thấu hiểu, đối thoại, giải thích, giải đáp, giải quyết kịp thời, có kết quả những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra đối với nông dân trong quá trình sản xuất và đời sống; Bản thân và gia đình phải gương mẫu thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ nơi cư trú; Phải thống nhất giữa lời nói đúng và việc làm đúng để làm gương tốt, tạo sự lan tỏa nhằm phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ.

Năm, đặc biệt coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và “Dân vận khéo” với cách thức, phương pháp tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để nông dân hiểu và nhận thức đúng và đầy đủ về trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình, hiện thực hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”; ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, vấn đề có ý nghĩa quan trọng là phải biết phát huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, huy động hợp lý các nguồn lực trong dân để xây dựng nông thôn mới; mọi huy động đóng góp của dân phải được bàn bạc, công khai, dân chủ, đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư để nhân dân hiến kế, đề xuất cách thức thực hiện, khi nhân dân thấy được kết quả, lợi ích thiết thực, từ đó tăng thêm lòng tin, đồng lòng, đồng thuận, đồng hành của nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Sáu, tập trung chăm lo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản; gắn với phát triển công nghiệp và ngành nghề nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; từ đó người dân có điều kiện để tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, huy động hợp lý sức dân để chăm lo lợi ích chính đáng của dân, vì mục tiêu phát triển: xây dựng con người mới, diện mạo mới, sức sống mới, động lực phát triển mới đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ,

Kính thưa các đại biểu khách quý,

Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí,

Những thành tích và kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua, bên cạnh sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đồng hành cùng sát cánh với nông dân trong phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, còn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã có Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hoàn toàn đúng đắn và kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đây là chủ trương thể hiện rõ sự gắn kết chặt chẽ, phù hợp mức độ cao giữa ý Đảng và lòng dân, nên sớm đi vào cuộc sống; kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, thực sự là một cuộc “cách mạng” mang tính tổng hợp, toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng được nhu cầu, hơi thở cuộc sống của nhân dân, được sự đồng thuận cao, đặc biệt là người dân ở nông thôn; và từ thực tiễn ở Đồng Nai đã cho thấy, mục tiêu của Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ngày càng trở thành hiện thực sinh động, có kết quả trong đời sống của cư dân nông thôn. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai mong rằng trong trong thời gian tới sẽ tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp sức của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương để tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nhân Lễ công bố danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai hôm nay, thay mặt Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai, tôi cũng xin chân thành cảm ơn và nhiệt liệt biểu dương các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực sự đồng hành cùng với người nông dân trong phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” trong suốt thời gian qua, nhiệt liệt biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh đã thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; nhân buổi Lễ long trọng này, đặc biệt xin chân thành cảm ơn đối với tất cả bà con nông dân tỉnh nhà và nông dân huyện Xuân Lộc, nông dân thị xã Long Khánh. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nông dân Đồng Nai luôn là lực lượng chủ lực trong phong trào cách mạng, một lòng thủy chung son sắt theo Đảng, nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đóng góp to lớn sức người, sức của, vật chất và tinh thần phục vụ kháng chiến, đã góp phần cùng với quân dân cả nước làm nên những chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà và phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, nông dân Đồng Nai đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng tiến công, với ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, là lực lượng nòng cốt trực tiếp lao động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và thể hiện rõ vai trò chủ thể của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Qua thực tiễn phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hăng say lao động, đã tạo ra nhiều của cải cho xã hội, nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho xã hội; đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ khá, hộ giàu trong nông dân, trong đồng bào dân tộc; từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có nhiều “vua tiêu”, “vua bắp”, “vua bưởi”, “vua xoài” là nông dân được cả nước và thế giới vinh danh công nhận; ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân đã trở thành những “kỹ sư chân đất” trong sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; trong tổ chức sản xuất ngày càng xuất hiện nhiều trang trại của nông dân, nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung với quy mô lớn, tiên tiến không thua kém trang trại ở các nước trong khu vực và trên thế giới; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi được nhân rộng trong nông dân;…Tất cả những điều đó là những thực tế sinh động, đầy sức thuyết phục, chứng minh cho truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, bản lĩnh, tự chủ, cần cù, thông minh, sáng tạo, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, với khát vọng cháy bỏng vươn lên có cuộc sống giàu có, hạnh phúc, văn minh hơn, thì những gì mà nông dân các nước trên thế giới làm được thì nông dân Đồng Nai, nông dân Việt Nam chắc chắn cũng sẽ làm được và làm có kết quả; nông dân Đồng Nai có đủ trình độ, năng lực, nhạy bén trong tổ chức sản xuất để làm ra những sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế. Nông dân Đồng Nai cũng là những người chịu “một nắng hai sương”, vốn chất phát, hiền lành, bao dung, chăm chỉ, cần cù đã thể hiện rõ vai trò chủ thể của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới và tấm lòng thủy chung với sự nghiệp cách mạng, nông dân Đồng Nai đã không tiếc công sức, trí tuệ, tài sản của mình, tích cực, hăng hái đóng góp xây dựng làng xã, xây dựng nông thôn mới, với những việc làm thiết thực sẵn sàng hiến đất, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng, hàng trăm ngày công lao động để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng đường điện hạ thế, phòng học, nhà văn hóa xã, giúp nhau vượt khó, giảm nghèo…Những đóng góp to lớn, rất đáng tự hào của nông dân Đồng Nai trong phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” trong thời gian qua và hiện nay đang hàng ngày, hàng giờ đã biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trở thành hiện thực, càng tô thêm sắc thắm cho lòng yêu nước, truyền thống gắn bó thủy chung, sắc son theo Đảng, theo cách mạng, tinh thần bất khuất, kiên cường, bản lĩnh, thông minh, sáng tạo của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, những kinh nghiệm, cách làm tích cực, sáng tạo trong phong trào “Toàn tỉnh chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai với quyết tâm chính trị cao, phấn đấu đến năm 2020, Đồng Nai sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tiêu chí nông thôn mới ở các xã trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đã chủ trương không dừng lại ở các tiêu chí đạt được, đó chỉ mới là bước khởi đầu trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, vấn đề quan trọng hơn là phải tiếp tục nâng chất lượng các xã, các huyện nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, thúc đẩy phong trào đạt ở trình độ, chất lượng cao hơn, không tự bằng lòng, thỏa mãn với thành tích đã đạt được, nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu “4 tốt hơn”, đó là: Đời sống, thu nhập của người nông dân ngày càng cao hơn; Cơ sở hạ tầng kinh tế -xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại hơn; Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị truyền thống ở nông thôn, an ninh, an toàn, an sinh xã hội ở nông thôn ngày càng tốt hơn; Đảm bảo môi trường sinh thái phát triển đa dạng và bền vững hơn. Phấn đấu sớm rút ngắn khoảng cách về trình độ và tính chất phát triển giữa nông thôn và đô thị, xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh, phát triển toàn diện, bền vững. Để hiện thực được mục tiêu đó, thay mặt Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai, tôi thiết tha kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cộng đồng các doanh nghiệp, đặc biệt là người nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hãy tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo cùng chung sức chung lòng, đồng tâm, hiệp lực, bằng nhiều việc làm thiết thực hơn nữa, thể hiện tốt hơn nữa vai trò là lực lượng chủ thể trong phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng nông thôn mới, đóng góp xứng đáng hơn nữa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới - năm Ất Mùi 2015, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai kính chúc các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu khách quý và gia đình luôn được mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp sức cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới. Kính chúc đồng chí, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nông dân tỉnh nhà dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, bước vào năm mới với quyết tâm mới, nghị lực mới, khí thế mới và đạt được nhiều thành công mới, thắng lợi mới.

Xin trân trọng cám ơn !

 

 

 

 

 

 

                                                                        

Tin xem nhiều