Báo Đồng Nai điện tử
En

Lữ đoàn T-TG 22 đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND

06:01, 28/01/2015

(ĐN)- Chiều ngày 28-1, Lữ đoàn tăng - thiết giáp (T-TG) 22, Quân Đoàn 4 đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng...

(ĐN)- Chiều 28-1, Lữ đoàn tăng - thiết giáp (T-TG) 22, Quân Đoàn 4 đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) do Chủ tịch nước phong tặng vì đã có nhiều thành tích trong 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tâm gắn Danh hiệu Anh hùng LLVTND lên Quân kỳ Quyết Thắng của Lữ đoàn
Thiếu tướng Nguyễn Đình Tâm gắn Danh hiệu Anh hùng LLVTND lên Quân kỳ Quyết Thắng của Lữ đoàn

Đến dự và chia vui với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn có các đồng chí: Thiếu  tướng Hoàng Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân Đoàn 4; Thiếu  tướng Nguyễn Đình Tâm, Anh hùng LLVTND, Phó tư lệnh Quân Đoàn 4; Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đông đảo các đồng chí là tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, Anh hùng LLVTND, cán bộ lãnh đạo Quân đoàn 4, lãnh đạo các địa phương nơi đơn vị đóng quân, các nhà tài trợ, lãnh đạo Lữ đoàn T-TG 22 qua các thời kỳ.

Ra đời vào những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (10-10-1970), Lữ đoàn T-TG 22 (tiền thân là Tiểu đoàn 20, Tiểu đoàn 21, thuộc Trung đoàn 203 và Trung đoàn 215, Binh chủng T-TG) đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong suốt quá trình chiến đấu từ năm 1972 - 1983, Lữ đoàn đã tham gia hàng chục chiến dịch, xuất kích 2.674 lần chiếc T-TG và V100 (trong đó có xe thu được của địch để tiêu diệt địch), đánh 327 trận lớn, nhỏ (riêng trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là 200 trận), diệt gần 3.000 tên địch, bắt hơn 1.700 tù binh, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy và phá hủy hàng chục xe T-TG địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Những chiến công tiêu biểu của Lữ đoàn đã đi vào lịch sử như trận mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ, giải phóng hoàn toàn huyện lỵ Lộc Ninh vào năm 1972; Chiến dịch đường 14, giải phóng Phước Long vào tháng 1-1975... Hai chiến thắng mang tính quyết định nêu trên đã làm cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có quyết định quan trọng: giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976.

Tự hào với truyền thống đó, ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn ra sức gìn giữ, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ, với Tổ quốc và nhân dân; ra sức huấn luyện giỏi, làm chủ vũ khí trang bị, sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng Lữ đoàn chính quy, mẫu mực; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tâm đã gắn Danh hiệu Anh hùng LLVTND lên Quân kỳ Quyết Thắng của Lữ đoàn. Thiếu tướng căn dặn cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn T-TG 22 tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích anh hùng trong chiến đấu, tích cực đổi mới tác phong công tác, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực, đoàn kết thống nhất, chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nề nếp chính qui; giữ vững mối quan hệ, đoàn kết với chính quyền và nhân dân địa phương, đóng góp tích cực vào phong trào "Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới".

                                                         ĐV

Tin xem nhiều