Chiều 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII; thảo luận về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định vào dự thảo nhằm làm rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý hành chính công.
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Lê Bộ Lĩnh phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN) |
Dự thảo cần hướng đến xây dựng một Chính phủ sáng tạo, năng động, tinh gọn về tổ chức, hiệu lực, hiệu quả về hoạt động, đủ tầm quản lý, giải quyết các nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Nghiên cứu quy định cụ thể số lượng bộ, ngành trong Luật
Các đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội); Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ); Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, với chức năng của Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, dự thảo Luật cần quy định cứng về số lượng bộ và các cơ quan ngang bộ; số lượng Phó Thủ tướng, cấp phó tại các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, gọn nhẹ, hiệu quả.
Dự thảo luật cũng cần mở rộng những điểm đổi mới so với luật hiện hành, nhấn mạnh chức năng chính của Chính phủ trong quản lý Nhà nước.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị dự thảo cần có quy định chi tiết về tỷ lệ, số lượng thành viên nữ trong Chính phủ; số lượng nữ đảm nhiệm chức vụ thứ trưởng, cấp phó cơ quan ngang bộ để đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới.
“Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cần thiết kế sao cho Chính phủ không thể đẻ ra thêm chức, thêm ghế,” đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị.
Nêu quan điểm về nội dung có nên quy định cụ thể số lượng bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong dự thảo, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đề nghị cơ quan chức năng cần có nghiên cứu, tổng kết; từ đó có bài học kinh nghiệm, xử lý các bất cập nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của khối các bộ kinh tế tổng hợp quản lý đa ngành, đa lĩnh vực sau 7-8 năm tiến hành sáp nhập như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương...
Ngoài ra, cần có quy chế khắc phục hạn chế về trình độ cán bộ hoặc những tồn tại trong quản lý Nhà nước đối với những lĩnh vực được chia bổ cho nhiều bộ như quản lý, sử dụng ngân sách, phòng chống thiên tai…
Song, buổi thảo luận cũng ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng không nên quy định chi tiết số lượng, tên gọi của các bộ, ngành trong dự thảo luật để tạo điều kiện cho việc điều chỉnh trong trường hợp cần thiết, nâng cao tính linh hoạt, năng động trong tổ chức, hoạt động của Chính phủ nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý Nhà nước.
Phân định trách nhiệm rõ ràng trong hoạt động quản lý Nhà nước
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ cơ chế chịu trách nhiệm của từng cấp, ngành, địa phương; tránh tình trạng không quy được trách nhiệm khi xảy ra thất thoát vốn tại địa phương.
Các đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nhấn mạnh việc xây dựng các dự luật về ngân sách, tổ chức, bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương và các luật về tổ chức là cơ hội lớn để Quốc hội khóa XIII đổi mới mạnh mẽ, khắc phục nhược điểm của nền hành chính công hiện nay theo tinh thần của Hiến pháp mới ban hành.
Đại biểu Trần Du Lịch tha thiết luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cần khắc phục nhược điểm lớn nhất của bộ máy hành chính hiện nay là chế độ trách nhiệm công vụ chưa rõ ràng giữa Chính phủ và chính quyền địa phương.
Khẳng định Hiến pháp mới đã tạo ra không gian rộng mở, là cơ hội lớn để tiếp tục cải cách, đổi mới thể chế, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) băn khoăn, một số dự án luật đã được thông qua hoặc đang trình vẫn chưa mang nhiều tư tưởng về cải cách đổi mới. “Hiến pháp tạo ra cơ hội thì cần phải tích cực nghiên cứu, cải cách,” “những điểm không phù hợp với Hiến pháp thì phải kiên quyết loại bỏ,” đại biểu Phúc dứt khoát.
Một số ý kiến tại buổi làm việc cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn việc phân định chức năng các bộ, cơ quan ngang bộ với chức năng Văn phòng Chính phủ; xác định vai trò của Chính phủ trong thực hiện cơ chế bảo hiến.
Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định trong dự thảo về việc Chính phủ có quyền đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của tòa án bởi quy định như vậy là chưa phù hợp với tinh thần của Hiến pháp mà nên quy định việc Chính phủ chấp hành các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án và có thể đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại bản án, quyết định của tòa án nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) mong muốn trong việc xem xét dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần này Quốc hội cần xác định cơ chế chịu trách nhiệm của từng ngành, địa phương; tránh tình trạng không quy được trách nhiệm khi xảy ra thất thoát vốn tại địa phương.
Trách nhiệm phải gắn với phân cấp; dự thảo cần bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp dưới trong việc chấp hành chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan cấp trên và chế tài xử lý nếu không tuân thủ, đại biểu kiến nghị.
Sau hai ngày nghỉ cuối tuần, sáng thứ hai tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương./.