Chiều ngày 6-11, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề xuất tăng lương của Bộ Tài chính. Theo đó sẽ có 5 triệu người thuộc 3 nhóm đối tượng được tăng lương từ ngày 1-1-2015.
Chiều ngày 6-11, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề xuất tăng lương của Bộ Tài chính. Theo đó sẽ có 5 triệu người thuộc 3 nhóm đối tượng được tăng lương từ ngày 1-1-2015.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng |
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính ký tờ trình thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua trong kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2015 sẽ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với tiền lương của 3 đối tượng gồm người nghỉ hưu; trợ cấp ưu đãi người có công (số đối tượng do NSNN đảm bảo khoảng 2,9 triệu người); bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (chiếm khoảng 35% tổng số cán bộ là trên 1,8 triệu người). Bộ Tài chính cho biết việc điều chỉnh như trên có tác động giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ NSNN. Bên cạnh đó còn góp phần đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thu NSNN khó khăn (dự kiến tổng thu khoảng 911.100 tỉ đồng) và khó cắt giảm dự toán chi, Bộ Tài chính kiến nghị sử dụng một phần số tăng thu NSNN năm 2014 chuyển sang nguồn năm 2015 để thực hiện (năm 2014 thu NSNN dự kiến vượt kế hoạch 63.000 tỉ đồng). Ngoài ra có thêm khoảng 1.100 tỉ đồng được đảm bảo từ nguồn ngân sách địa phương dành ra để cải cách tiền lương.
Chính phủ cũng đã đồng ý với 3 phương án tăng lương do Bộ Tài chính đề xuất. Cụ thể:
Phương án 1: Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/ tháng lên 1,24 triệu đồng/ tháng, tương ứng với mức tăng 8% , khoảng 90.000 đồng/ tháng. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương cơ sở – mức tăng tương ứng mức lạm phát trong 2 năm 2014- 2015. Như vậy với phương án này, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công do NSNN đảm bảo. Tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 33.000 tỉ đồng.
Phương án 2: Chỉ tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và lương đối với bộ phận công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp. Bộ Tài chính lý giải: Năm 2011 đã thực hiện trợ cấp khó khăn đối với bộ phận công chức, viên chức có thu nhập thấp có hệ số lương 3,0 trở xuống, khi đó chưa có chế độ phụ cấp công vụ. Còn hiện nay đã thực hiện phụ cấp công vụ 25% trên mức lương hiện hưởng nên tương đương với người có hệ số lương 3,0 của năm 2011. Vì vậy chỉ kiến nghị tăng lương đối với người có hệ số lương 2,34 trở xuống (chiếm khoảng 35% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang). Theo phương án này, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 11.100 tỉ đồng.
Phương án 3: Chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng 10%. Theo phương án này, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 6.700 tỉ đồng.
Trước đó trong phương án phân bổ ngân sách năm 2015 trình lên Quốc hội tại kỳ họp này, mặc dù thu ngân sách năm 2014 vượt dự toán 63.000 tỉ đồng nhưng Chính phủ đề xuất hoãn thực hiện lộ trình tăng lương do không bố trí được nguồn. Phần thu vượt dự toán được đề xuất ưu tiên bố trí chi trả nợ và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội khác.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về kế hoạch phân bổ ngân sách đã không đồng ý với đề xuất hoãn tăng lương vì cho rằng có nhiều đối tượng hưởng lương từ ngân sách đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không tăng lương theo lộ trình sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong xã hội. Thậm chí có đại biểu còn gay gắt nói rằng có thể nhịn ăn, nhịn tiêu để lấy tiền tăng lương, nếu không thực hiện được tăng lương theo lộ trình là Quốc hội có lỗi với cử tri.
(Theo Người Lao Động)