Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt quản lý giá và chống buôn lậu, gian lận thương mại

09:11, 17/11/2014

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên này diễn ra chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đăng đàn trả lời về những vấn đề "nóng" được các đại biểu đặt ra...

[links()]Ngày 17/11, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên này diễn ra chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đăng đàn trả lời về những vấn đề “nóng” được các đại biểu đặt ra, đặc biệt là vấn đề xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và quản lý chặt giá cả một số mặt hàng thiết yếu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Xử lý về tình trạng hàng giả, nhập lậu còn nhiều hạn chế

Về chất vấn của đại biểu Lê Đình Khanh về tình hình hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đây là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay, các lực lượng chức năng đã hết sức cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế. Trong báo cáo kiểm điểm cá nhân của Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm về hạn chế này. 

Mặc dù ngành công thương có nhiều cố gắng, các lực lượng khác như hải quan, thuế đã nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ số vụ việc về gian lận thương mại năm này qua năm khác và năm sau đều cao hơn năm trước. Cụ thể là 10 tháng của năm 2014, số vụ kiểm tra và xử phạt đều tăng hơn 2013 từ 12-14% nhưng tình hình diễn biến khá phức tạp.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nguyên nhân tình trạng này là do dung lượng thị trường của Việt Nam ngày càng phát triển, tốc độ phát triển ngày càng cao, độ mở của nền kinh tế lớn nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng, đi liền với đó là, xuất hiện nhiều phần tử làm ăn không đúng đắn, lợi dụng đưa hàng kém chất lượng vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh về phương tiện, công cụ vừa yếu vừa thiếu nên hiệu quả chưa cao. Thực tế vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra thiếu trang thiết bị kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng. 

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, không loại trừ trong đội ngũ của lực lượng quản lý thị trường còn có tình trạng tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, bao che cho trình trạng sai phạm; sự phối hợp của các địa phương mặc dù nỗ lực nhưng chưa đều.

Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Khá là Bộ trưởng có thể cam kết đến 2015, tình trạng về buôn lậu và gian lận thương mại giảm được bao nhiêu %, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, Bộ sẽ hết sức cố gắng để cải thiện tình hình này. 

Bộ trưởng cho biết với việc ra đời của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 389 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng ban và có sự tham gia của các ngành chức năng, chắc chắn rằng công tác này từng bước sẽ đạt được hiệu quả tích cực hơn trong năm 2015 và những năm tiếp theo. 

Trách nhiệm của Bộ là nếu phát hiện sai phạm, Bộ sẽ đề nghị các địa phương xử lý. Chẳng hạn, như trong 2 năm 2012-2013 và hết tháng 8/2014, cả nước đã khiến trách 25 trường hợp cán bộ sai phạm, cách chức 4 trường hợp. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương đồng tình với cách xử lý này.

Quản lý chặt giá hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường

Đối với câu hỏi của đại biểu Lê Đình Khanh về việc quản lý giá sữa, giá thuốc, giá điện và giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết giá sữa do Bộ Tài chính chủ trì, giá thuốc do Bộ Y tế quản lý. Bộ Công Thương với chức năng quản lý thị trường đã phối hợp cùng với thanh tra của Bộ Tài chính và Y tế đi thanh tra những hộ kinh doanh xem có thực hiện niêm yết đúng giá hay không. Trên thực tế, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp triển khai kiểm soát giá sữa; từng bước đưa giá thuốc về giá trị thật của nó.

Về giá xăng dầu và điện là vấn đề Quốc hội quan tâm chỉ đạo kiên quyết nên đến sau khi thực hiện Nghị định 84 về điều chỉnh giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và thay thế là Nghị định 83, có thể nói giá xăng dầu bán sát theo cơ chế thị trường. Xăng dầu từ đầu năm đến nay đã giảm 9 lần hơn 4.000 đồng/lít cao hơn nhiều so với 5 lần tăng giá.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, giá điện đến đến năm 2015 sẽ theo theo thị trường, giá sẽ phụ thuộc vào nhiên liệu, chi phí đầu vào sẽ bảo đảm phục vụ cho tiêu dùng của nhân dân. Nhưng đối với những hộ nghèo vẫn sẽ hỗ trợ 30 số đầu.

"Từ tháng 8/2013 do việc điều hành các nhà máy điện hợp lý nên chúng ta không phải điều chỉnh giá điện" - Bộ trưởng cho biết.

Đối với chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường về việc phát triển và sử dụng xăng sinh học E5, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ, xăng sinh học E5 trong mấy năm qua, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học-Công nghệ đã cho thử nghiệm xăng E5 tại một số hãng taxi và thấy ôtô sử dụng xăng E5 hoạt động ổn định.

Chính phủ đã cho áp dụng xăng này theo lộ trình đến 1/12/2014 thí điểm tại 3 địa phương và 1/12/2015 sẽ sử dụng trên địa bàn 7 địa phương và sau đó sử dụng đại trà trên toàn quốc. Quảng Ngãi là địa phương đi đầu về sử dụng xăng sử dụng xăng E5 trước thời hạn 3 tháng và đến nay ở địa phương này chưa có vấn đề gì xảy ra. Mặc dù vậy, với trách nhiệm là cơ quan cung ứng và ban hành tiêu chuẩn về xăng dầu, Bộ sẽ hợp tác với Bộ Khoa học-Công nghệ để sớm khẳng định độ an toàn của xăng E5. Nếu có xảy ra sự cố thì các cơ quan ban hành tiêu chuẩn xăng này phải chịu trách nhiệm./.
 
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều