Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó có nội dung dành 11.000 tỷ đồng để tăng lương cho các đối tượng hưu trí, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: TTXVN) |
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, người dân và đặc biệt là những đối tượng trong diện được hỗ trợ tăng lương đều bày tỏ vui mừng, phấn khởi đối với quyết sách đúng đắn này. Từ đó, người dân thêm vững tin vào sự "chèo lái" nền kinh tế-xã hội của đất nước của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong bối cảnh còn khó khăn hiện nay.
Không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2015
Đại biểu Bùi Trí Dũng (An Giang) cho rằng chủ trương này hoàn toàn hợp lý và không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước năm 2015. Bởi, theo đề xuất tăng lương của Chính phủ, nguồn vượt thu của ngân sách nhà nước năm 2014 sẽ được chuyển sang sử dụng cho mục đích này. Khoản còn thiếu sẽ được lấy từ kinh phí tăng lương của địa phương mà năm nào cũng có.
Cũng theo đại biểu, thực tế cho thấy, người về hưu và những công chức, viên chức mới đi làm có mức lương rất thấp. Nền kinh tế thị trường đang chi phối từng gia đình trong khi đời sống của những đối tượng này quá khó khăn. Khoản tiền được tăng tuy không nhiều nhưng có ý nghĩa động viên tinh thần làm việc cho họ.
Hoan nghênh việc mặc dù tình hình kinh tế vẫn đang khó khăn do những biến động kinh tế ở trong nước và thế giới nhưng Chính phủ, Quốc hội vẫn quan tâm và thống nhất tăng lương cho những đối tượng hưu trí, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) nêu rõ việc lựa chọn các đối tượng được tăng lương là hoàn toàn chính xác do những người này có mức lương quá thấp, không đảm bảo nhu cầu sinh sống tối thiểu hiện nay, đặc biệt là những cán bộ nghỉ hưu từ trước năm 1993.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) nhận định Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài Chính đã cân đối hợp lý các nguồn thu. Con số hơn 11.000 tỷ đồng cho đợt tăng lương này là không lớn, có thể điều chỉnh mà không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2015.
Đại biểu đánh giá nếu có khả năng tăng lương cho tất cả các đối tượng hưởng lương ngân sách thì rất tốt nhưng trong điều kiện đất nước còn khó khăn, cần ưu tiên cho những đối tượng hưởng lương thấp dưới 3 triệu đồng/tháng, những người hưởng lương hưu.
Bày tỏ sự băn khoăn khi tăng lương cho những đối tượng có bậc lương 2,34 thêm 8% thì họ sẽ được nhận số tiền lương lớn hơn những người có bậc lương cao hơn.
“Điều này là bất hợp lý nhưng chính sách không thể công bằng tuyệt đối được. Khi chính sách đã được ban hành thì chúng ta phải thực hiện, nếu thực tế có sự bất hợp lý sẽ điều chỉnh sau,” đại biểu Lê Đình Khanh khẳng định.
Củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Chính phủ
Trước quyết sách đúng đắn của Chính phủ, Quốc hội, nhiều người dân trong diện được hưởng tăng lương đã bày tỏ vui mừng, phấn khởi.
Bà Nguyễn Thị Oanh, cán bộ hưu trí phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ ngay sau khi xem báo và được biết Chính phủ, Quốc hội đã có quyết định tăng lương 8% từ 1/1/2015, thấy mình trong diện được hưởng bà rất phấn khởi.
Số tiền được tăng không nhiều, chỉ gần 200.000 đồng nhưng đây là sự khích lệ động viên rất lớn, tạo lòng tin ngày càng vững chắc của những người về hưu với Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Chị Nguyễn Trà My, một cán bộ công chức mới đi làm có mức lương 2,34 cho biết mức lương của chị hiện chưa đến 3 triệu đồng/tháng, rất khó để đảm bảo cuộc sống hiện nay. Nếu được tăng lương lên 8%, tuy nhỏ nhưng sẽ giúp chị giải quyết một số khó khăn trong cuộc sống hàng ngày./.