Những năm trước đây, cây mía là loại cây chủ lực của nông dân xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc. Tuy nhiên, gần 3 năm qua giá mía liên tục giảm, nhiều nông dân bỏ cây mía làm diện tích mía thu hẹp dần.
Những năm trước đây, cây mía là loại cây chủ lực của nông dân xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc. Tuy nhiên, gần 3 năm qua giá mía liên tục giảm, nhiều nông dân bỏ cây mía làm diện tích mía thu hẹp dần.
Theo thống kê, hiện nay toàn xã Xuân Bắc có khoảng 840 hécta mía, giảm từ 100-150 hécta/năm. Nguyên nhân chính là do giá cả thấp, nông dân trồng mía không có lãi. Nhiều nông dân xã Xuân Bắc mặc dù đã có nhiều năm gắn bó với cây mía đã phải chuyển đổi sang một số loại cây trồng khác, thu nhập cao hơn. Điển hình như hộ ông Nguyễn Quang Tân ở ấp 8, xã Xuân Bắc. Đã có hơn 30 năm gắn bó với cây mía, song giá cả xuống thấp, trong khi chi phí đầu tư chăm sóc cây mía lại cao nên ông Tân cho biết đang chuẩn bị chuyển sang cây trồng khác.
Hiện nay, mía đang được Công ty mía đường La Ngà thu mua với giá phổ biến 910 ngàn đồng/tấn tại bàn cân, giảm gần 100 ngàn đồng trên một chữ đường so với cùng kỳ. Công ty mía đường La Ngà đã có những chính sách hỗ trợ cho nông dân, song hầu hết chỉ là giải pháp trước mắt bởi giá cả, đầu ra mới là điều quyết định. Theo tính toán, với giá bán như hiện nay thì mỗi vụ mía nông dân chỉ thu được khoảng 25-30 triệu đồng/hécta, sau khi trừ chi phí đầu tư thì thu lãi khoảng 15 triệu đồng, những hộ trồng mới thì nguy cơ thua lỗ khá cao.
Ông Nguyễn Chí Cường, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Bắc, nhận xét với tình trạng người dân ồ ạt chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì trong thời gian không xa, vùng nguyên liệu mía Xuân Bắc - nơi cung cấp hàng ngàn hécta cho các công ty đường trong tỉnh có nguy cơ bị xóa trắng.
Anh Thy - Hải Đình