Sáng 5/11, Quốc hội làm việc ở Hội trường, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; thảo luận một số nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dạy nghề.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội làm việc ở Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Phạm Thị Hải phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
* Tiếp tục đổi mới công tác bầu cử
Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội được ban hành năm 1997, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được ban hành năm 2003. Hai đạo luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số lần, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII và XIII; cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 và nhiệm kỳ 2011-2016, góp phần xây dựng tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu qua các nhiệm kỳ cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn; chất lượng đại biểu ngày càng được nâng lên; số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách được tăng cường; cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp bảo đảm hợp lý. Tuy nhiên, trước yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong những nhiệm kỳ tới thì cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi Luật Bầu cử.
Với 11 chương, 98 điều, dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân kế thừa và phát triển trên cơ sở cơ cấu, bố cục lại các quy định trong hai luật về bầu cử hiện hành. Những quy định của dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Hiến pháp mới, đồng thời nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục trong bầu cử; pháp điển hóa một số nội dung trong hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2011.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật; cũng như phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật. Dự thảo Luật cơ bản đã bám sát các quy định của Hiến pháp để cụ thể hóa các quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, các quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia.
* Tạo điều kiện cho giáo dục nghề nghiệp phát triển
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, đa số đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đổi tên gọi của Luật thành “Luật Giáo dục nghề nghiệp” và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật để thống nhất lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện cho giáo dục nghề nghiệp phát triển, đáp ứng cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhận định việc đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ là một đạo luật mới, không còn là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, các đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Âu Thị Mai (Tuyên Quang)... nêu ý kiến: Cần phân tích thấu đáo, nghiên cứu từ thực tế để đánh giá đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các quy định của Luật, tránh trường hợp sau khi Luật ban hành sẽ không có tính khả thi hoặc gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, Quốc hội nên cân nhắc việc thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8.
Liên quan đến các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang bị phân tách thành hai bộ phận do 2 Bộ thực hiện quản lý nhà nước, trong đó Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý hệ thống dạy nghề gồm 3 trình độ đào tạo sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Điều này không chỉ dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành chung; dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, mà còn gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đào tạo. Về bản chất, các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề mặc dù thuộc hai hệ thống khác nhau song đều thực hiện đào tạo theo định hướng thực hành nghề nghiệp; đều chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề cho người học để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Vì vậy, việc sắp xếp lại các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp theo hướng hợp nhất trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề; cao đẳng với cao đẳng nghề là việc làm hợp lý và cần thiết. Việc sáp nhập này không những tạo sự thống nhất về các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, khắc phục sự chồng chéo trong đào tạo nguồn nhân lực, mà còn tập trung được nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp và phù hợp với các cấp trình độ đào tạo nghề nghiệp của khối ASEAN, làm cơ sở cho việc công nhận trình độ đào tạo cũng như tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch lao động giữa các quốc gia trong khu vực và với các nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về lao động. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đề nghị cần làm rõ đặc trưng cơ bản của từng trình độ, để có sự thống nhất đánh giá khoa học từ thị trường lao động xem vị trí việc làm của cao đẳng nghề và cao đẳng hiện nay như thế nào. Nguyên tắc chung của hệ thống đào tạo phải tương ứng với thị trường lao động, nghề nghiệp, năng lực nghề nghệp, các trình độ để có quy định phù hợp.
* Chưa thống nhất về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước
Đối với quy định về việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Phạm Thị Hải (Đồng Nai), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề xuất nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý là phù hợp. Theo đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai), Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ quản lý nhà nước về tất cả các hoạt động giáo dục và đào tạo trên phạm vi cả nước. Phân công nhiệm vụ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giúp cho việc xây dựng chương trình đào tạo nghề có hệ thống từ bậc mầm non đến đại học; chương trình đào tạo sẽ mang tính liên thông; việc phân bổ ngân sách cho giáo dục đào tạo sẽ tập trung vào một đầu mối quản lý, sử dụng, góp phần tinh giản biên chế, đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa X.
Trái lại, các đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) lại tán thành với cơ quan soạn thảo là giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về dạy nghề. Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh: Từ khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được phân công quản lý nhà nước về dạy nghề, hoạt động này đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc giáo dục nghề nghiệp, mang lại hiệu quả toàn diện từ số lượng, chất lượng tay nghề và kỹ năng thực hành của người lao động, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu kiến nghị để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong quản lý và phát triển hệ thống dạy nghề thời gian qua cũng như tạo thuận lợi cho việc gắn kết đào tạo kỹ năng nghề với quản lý lao động và việc làm, cần giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, riêng mảng đào tạo sư phạm chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu tập trung thảo luận về: Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp; chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp; tổ chức và hoạt động của cơ sở dạy nghề.../.
TTXVN