Chiều 6/11, tại Nhà khách Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11).
Chiều 6/11, tại Nhà khách Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh:TTXVN) |
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh ngày 20/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, quy định rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản, bền vững trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa công tác này đi vào thực chất, hiệu quả.
Một trong những giải pháp đó là việc Quốc hội đã lựa chọn và quyết định lấy ngày 9/11, ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày này được tổ chức hằng năm nhằm thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam và trong sự phát triển của quốc gia, sự thịnh vượng của dân tộc, đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, thực hiện mục tiêu cơ bản xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường quyền con người, quyền công dân, tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, việc nâng cao ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là nhiệm vụ hết sức cần thiết.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định công tác phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và rất cần thiết hiện nay nhằm góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.
Đánh giá cao vai trò của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong việc xây dựng, triển khai và theo dõi thực hiện chương trình lập pháp, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vừa qua Nhà nước đã ban hành nhiều giải pháp về công tác phổ biến, giáo dục thượng tôn pháp luật, trong đó mô hình Ngày Pháp luật là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật.
Tuy nhiên, luật ban hành nhiều nhưng đi vào cuộc sống vẫn còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong xã hội chưa cao. Điều đó đặt ra trọng trách đối với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong việc tiếp tục công tác phổ biến, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho toàn dân, toàn xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ Quốc hội và các cơ quan Chính phủ, Nhà nước có trách nhiệm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và mang tính thời đại, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Làm sao để mỗi người đều hành xử có văn hoá theo pháp luật. Tăng cường đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật là rất cần thiết hiện nay. Để ngày Pháp luật Việt Nam không chỉ là một ngày 9/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Cũng tại buổi gặp mặt, Ủy ban Pháp luật đã giới thiệu Huy hiệu biểu trưng của Ủy ban pháp luật với hình ảnh cán cân công lý đặt giữa cánh sen hồng, cành nguyệt quế, phía trên có sao vàng năm cánh với nền đỏ, xung quanh là vòng tròn với dòng chữ “Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Law Committee”./.