Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo thực thi chuẩn mực của Liên hợp quốc về quyền con người

10:11, 24/11/2014

Chiều 24/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)...

[links()]Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, chiều 24/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Ðại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Ðại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Với 415 phiếu tán thành (chiếm 83,5%), Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) gồm 11 chương 98 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.

Bảo đảm hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân

Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) gồm 6 chương 101 điều, được Quốc hội thông qua với 411 phiếu tán thành (chiếm 82,7%).

Luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động; tổ chức bộ máy, cán bộ, Kiểm sát viên và các chức danh khác trong Viện kiểm sát nhân dân; bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) với 416 đại biểu tán thành (chiếm 83,7%).

Bảo đảm tốt hơn về quyền con người cơ bản tại Việt Nam

Thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết phê chuẩn Công ước này.

Việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm hiện nay là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó khẳng định mọi người có quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Bên cạnh đó, việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn càng có ý nghĩa khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc ghi nhận và đảm bảo thực thi các quy định và chuẩn mực của Liên hợp quốc về nhân quyền.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mang tính nhân văn, nhân đạo cao, được nhiều nước trên thế giới phê chuẩn.

Từ khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, đây là điều ước Quốc tế thứ 3 được Quốc hội tiến hành phê chuẩn. Đây là việc làm thận trọng, đúng với tinh thần Hiến pháp. Một số nội dung của Công ước chưa tương thích đối với pháp luật Việt nam vì vậy cần có lộ trình sửa đổi cho phù hợp.

Về tính hợp hiến và mức độ tương thích với các văn bản pháp luật, nhiều ý kiến đại biểu đánh giá về cơ bản pháp luật của Việt Nam phù hợp với quy định của Công ước, tuy nhiên còn một số loại hành vi mà luật phải tiếp tục xây dựng hoàn thiện, như các quy định về một số nội dung tội danh tra tấn và các hành vi khác.

Các đại biểu Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ là không áp dụng quy định trực tiếp công ước chống tra tấn tại Việt Nam; bảo lưu quy định tại điều 20 của công ước liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban chống tra tấn và khoản 1 điều 30 về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng công ước.

Đại biểu Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) lại cho rằng cần cân nhắc thêm đối với quy định không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước bởi Công ước Viên về điều ước Quốc tế quy định mọi điều ước đã có quy đinh đều ràng buộc các bên và phải được các bên thi hành với thiện chí.

Một bên không thể viện dẫn pháp luật trong nước là lý do cho việc không thi hành một điều ước. Ngay cả khi đã xây dựng, hoàn thiện pháp luật quốc gia thì theo Luật ký kết và gia nhập Điều ước Quốc tế của Việt Nam, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề sẽ áp dụng theo quy định của Điều ước Quốc tế.

Bên cạnh đó, Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người còn quy định chặt chẽ trách nhiệm của các quốc gia thành viên phải trong việc báo cáo thực hiện.

Đại biểu kiến nghị nếu thật sự cần thiết, cần thể hiện tinh thần thiện chí, quy định trách nhiệm rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật để phù hợp với Công ước và thời hạn cụ thể thực hiện sau khi Công ước có hiệu lực tại Việt Nam; đồng thời nghiên cứu việc bảo lưu, cũng như tuyên bố chấp thuận, phản đối của các quốc gia thành viên Công ước.

Khẳng định chính sách về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật

Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với việc ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; đồng thời khẳng định Việt Nam phê chuẩn là việc tiếp tục khẳng định sự tuân thủ, và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam về tôn trọng bảo đảm, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người khuyết tật; tiếp tục khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật...

Xuất phát từ yêu cầu sau khi phê chuẩn công ước phải khẩn trương nội luật hóa các quy định của công ước vào hệ thống pháp luật của Việt Nam, các đại biểu đề nghị trước mắt rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để kịp thời chỉnh lý.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu quan điểm điều quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân đối với người khuyết tật. Đại biểu đề nghị các cơ quan pháp luật cần rà soát các quy định liên quan đến quy định về quyền của người khuyết tật, thể hiện sự quan tâm của Đảng Nhà nước đối với công tác này.

Đồng thời, sau khi Quốc hội phê chuẩn Công ước, Chính phủ cần phê duyệt kế hoạch thực hiện; chỉ rõ lộ trình triển khai thực hiện Công ước, tránh tình trạng Công ước khi đã được phê chuẩn mà các dự luật lại chưa có quy định tương thích, phải chờ nhiều năm sau mới có điều kiện bổ sung.

Quan tâm đến quyền của trẻ em khuyết tật, việc làm đối với người khuyết tật, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định cụ thể về tạo việc làm, dạy nghề đối với người khuyết tật bởi các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này mới dừng lại ở việc quy định chung chung.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục tăng cường các quy định nhằm phòng ngừa tai nạn, sự cố làm gia tăng số lượng người khuyết tật, nhất là tai nạn giao thông và tai nạn lao động để có điều kiện chăm lo cho người khuyết tật tốt hơn...

Cũng trong chiều 24/11, bà Jô Moraes, Chủ tịch nhóm nghị sỹ hữu nghị Brazil-Việt Nam và các vị nghị sỹ Brazil đã sang thăm Việt Nam, tham dự phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Chào mừng chuyến thăm của Đoàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chân thành cảm ơn Quốc hội và nhân dân Brazil đã giành cho đất nước và nhân dân Việt Nam tình cảm thân thiết sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu trước đây cũng như trong quá trình xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế ngày nay.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội thể hiện sự tin tưởng chuyến thăm của Đoàn sẽ góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước nói chung, giữa hai Quốc hội nói riêng./.
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều