Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cần chỉ rõ kết quả thực hiện lời hứa Bộ trưởng ở kỳ họp trước"

09:11, 17/11/2014

Sáng 17/11, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên thảo luận được trực tiếp trên Đài TH Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sáng 17/11, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam để cử tri cả nước cùng theo dõi. 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Qua đó, nhiều cử tri ở các tỉnh, thành phố đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ về báo cáo của Chính phủ và những kiến nghị của các đại biểu Quốc hội.

Cần giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề sau chất vấn

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Quang Hữu cho rằng, chất vấn là một hình thức giám sát của Quốc hội. Thời gian qua, đây là hoạt động được công chúng ghi nhận và đánh giá cao trong những nỗ lực nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. 

Chất vấn giúp các thành viên Chính phủ thực hiện tốt hơn lời hứa của mình trước Quốc hội; đồng thời có tác dụng tích cực đối với hoạt động điều hành của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Quang Hữu, báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đã thể hiện rõ trách nhiệm, nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc điều hành các hoạt động kinh tế, xã hội. Báo cáo đã nêu bật những thành tựu quan trọng đạt được trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, có những vấn đề được Nghị quyết của Quốc hội xác định qua nhiều kỳ họp, nhưng chưa được xem xét giải quyết… 

Báo cáo của Chính phủ cần phân tích rõ hơn nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp căn cơ, không thể đưa mãi những giải pháp mang tính tình thế, đối phó. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cần chỉ rõ kết quả thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng ở các kỳ họp trước; trong đó nêu rõ vấn đề đã được thực hiện đến đâu, kết quả ra sao, còn điểm gì chưa được giải quyết, nguyên nhân vì sao và khả năng thực hiện tiếp theo, tránh việc hứa suông, hứa cho có hoặc chỉ làm chiếu lệ. 

Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, công tác tiếp xúc cử tri cần mở rộng đối tượng, thành phần tham gia. Các “tư lệnh” ngành được chọn trả lời chất vấn phải thể hiện được trách nhiệm của bộ, ngành mình trước Quốc hội và cử tri. Nội dung trả lời cần đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi chất vấn, tránh tình trạng lợi dụng diễn đàn để báo cáo thành tích hoặc trả lời vòng vo, không đúng nội dung yêu cầu đại biểu đặt ra…

Làm sáng tỏ nguyên nhân và trách nhiệm

Đồng tình với các nội dung thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày, ông Hoàng Khắc Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã nêu bật được những thành tựu quan trọng của các bộ, ngành, trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn; giáo dục đào tạo; y tế; giao thông vận tải; thi hành án dân sự; giải quyết khiếu nại tố cáo…

Những việc làm được của Chính phủ được Quốc hội và cử tri cả nước đánh giá cao. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cần đi sâu phân tích làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nêu rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành và lộ trình giải quyết những tồn tại, hạn chế, sớm có biện pháp khắc phục kịp thời như: Chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; trồng rừng; tái định cư cho đồng bào vùng biên giới, vùng thiên tai. 

Ông Hoàng Khắc Trung hy vọng, các Bộ trưởng được chọn đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ làm sáng tỏ những vấn đề “nóng” mà Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Ông Hà Quân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Pleiku (Gia Lai), nhận thấy không khí chất vấn và trả lời chất vấn hết sức dân chủ, đi vào những vấn đề xã hội bức xúc và các ý kiến của cử tri quan tâm tại mỗi kỳ họp. Người hỏi tập trung vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm để các bộ trưởng trả lời. Tuy nhiên, cũng có những câu hỏi còn đơn giản, nhỏ nhặt, làm khó cho người trả lời, không phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri. Phần trả lời của các Bộ trưởng cũng đi vào trọng tâm hơn, song vẫn còn có Bộ trưởng trả lời chung chung, không trúng vấn đề, không thỏa mãn nguyện vọng của cử tri. 

Ông Hà Quân mong muốn phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 khắc phục những hạn chế trên để đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của cử tri cả nước đã gửi gắm các vị đại biểu Quốc hội.

Ông Hoàng Đình Tiến, cán bộ hưu trí ở phường Trà Bá, thành phố Pleiku nhận xét: Đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi đã phản ánh đúng thực chất trách nhiệm của từng bộ, ngành trong điều hành các công việc của mình. Người trước đây có phiếu tín nhiệm thấp đã nỗ lực cố gắng, nay có phiếu tín nhiệm cao. 

Các Bộ: Nội vụ, Bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo có số phiếu tín nhiệm thấp, chưa hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành. Ông Tiến góp ý kiến với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc tham mưu cho Chính phủ triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về chính sách đối với người tài là quá lâu, không rõ trục trặc ở khâu nào vì theo văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị là thực hiện vào đầu quý 3/2014, song tới giờ vẫn chưa thực hiện.

Ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre: qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 17/11, tôi thấy báo cáo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu được những việc làm, những công trình đã thực hiện, nhưng vấn đề là cần đánh giá chất lượng, hiệu quả của những công trình và tìm ra nguyên nhân các mặt được, chưa được.

Đối với ý kiến của các bộ trưởng trả lời chất vấn: Nêu được nhiều vấn đề mới, cụ thể của ngành mình, đó là sự đổi mới. Đơn cử như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát giải trình cụ thể, có số liệu dẫn chứng, có nêu biện pháp sắp tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát không giải đáp vấn đề vai trò của Nhà nước tìm đầu ra cho nông sản và biện pháp nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ cho sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, hạ giá thành. Đây là những vấn đề lớn có liên quan đến hơn 70% dân số.

Còn Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội thể hiện có nắm chắc tình hình, số liệu, có phân tích so sánh, có đánh giá nguyên nhân. 

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ chưa đáp ứng được câu hỏi chất vấn của đại biểu Phan Đức Châu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) về việc cần tìm ra mâu thuẫn chung nhất trong tranh chấp đất đai để có giải pháp chung nhất trong xử lý.

Về cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. Riêng cải cách biên chế theo tôi, không hiệu quả, biên chế ngày càng phình to hơn, cần kiên quyết tinh giản biên chế.

Ông Võ Tiến Cường, cán bộ hưu trí, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre, cho biết rất đồng tình với báo cáo của Chính phủ và ý kiến đóng góp xây dựng xác đáng của các vị đại biểu. Với tư cách là một cử tri, ông Cường cho biết bản thân ông rất vui mừng trước những thành tựu kinh tế-xã hội đã đạt được, điều này thể hiện sự nỗ lực chung của Chính phủ và các bộ, ngành. 

Trong đó, nổi bật là các bộ, ngành đã có nhiều chuyển biến vươn lên so với nhiệm kỳ trước như: Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước… Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội được thực thi hiệu quả, quan tâm lo cho dân tốt hơn, bởi việc giữ nước trước tiên là lo cho dân.

Tuy nhiên, ông Cường cũng nêu ra một số băn khoăn về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn hoành hành, việc phòng chống buôn lậu vẫn còn nhiều hạn chế; an ninh lương thực-thực phẩm chưa được đảm bảo; bộ máy chính quyền quá cồng kềnh; cần kiên quyết tinh giản, nâng cao năng lực, hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, nhất là các vị đứng đầu; hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục còn quá kém cỏi, cần nhanh chóng khắc phục; tham nhũng là tai họa quốc gia, để giữ vững đất nước phải kiên quyết thực hiện công cuộc chống tham nhũng từ cấp cao tới cơ sở để khôi phục lòng tin của dân./.
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều