Tiếp tục Chương trình làm việc, sáng 23/10, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình trước Quốc hội. (Ảnh: TTXVN) |
Mở đầu phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Tờ trình nêu rõ Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/12/2006, là Công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
Tính đến tháng 3/2014, trên thế giới đã có 158 quốc gia ký Công ước và 141 quốc gia đã phê chuẩn Công ước này. Trong khối ASEAN, đã có tám nước phê chuẩn Công ước, hai nước đã ký Công ước nhưng chưa phê chuẩn là Việt Nam và Brunei.
Việt Nam đã ký Công ước Quyền của người khuyết tật vào ngày 22/10/2007. Việc phê chuẩn Công ước này là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên Công ước.
Công ước Quyền của người khuyết tật là một điều ước quốc tế về nhân quyền. Công ước xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước nhằm bảo vệ và đẩy mạnh các quyền này.
Việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm hiện nay của Nhà nước là rất quan trọng, nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền.
Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật.
Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Khi phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật, Chính phủ kiến nghị không bảo lưu điều khoản nào của Công ước và kiến nghị nên tuyên bố như sau: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật phù hợp với pháp luật trên tất cả các lĩnh vực bình đẳng như người không có khuyết tật".
Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo việc thực hiện chính sách đối với người khuyết tật; thúc đẩy khả năng và cơ hội cho người khuyết tật trong việc tìm kiếm việc làm tốt hơn trong tương lai của họ, đảm bảo cuộc sống cho người khuyết tật.
Tuy nhiên, việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật cũng đòi hỏi Việt Nam - với tư cách quốc gia thành viên phải tuân thủ các quy định của Công ước, trong đó có việc đảm bảo quyền tiếp cận của người khuyết tật đối với môi trường vật chất, giao thông, thông tin và truyền thông. Điều này sẽ đòi hỏi phải thúc đẩy việc thực hiện lộ trình cải tạo môi trường vật chất, giao thông, thông tin và truyền thông theo quy định của Luật Người khuyết tật đồng thời nâng cấp các công trình cũ để đáp ứng yêu cầu của Công ước.
Báo cáo cũng đánh giá về cơ bản, pháp luật Việt Nam tương thích với các quy định của Công ước Quyền của người khuyết tật.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Quyền của người khuyết tật vào thực tiễn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật như sau thống nhất sử dụng thuật ngữ “khuyết tật” trong toàn hệ thống pháp luật để phù hợp với khái niệm người khuyết tật quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Công ước; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện lộ trình cải tạo nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình công cộng theo quy định tại Luật Người khuyết tật để phù hợp với quy định tại Điều 9 của Công ước; tăng cường hơn nữa việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia giáo dục hoà nhập, giáo dục bán hòa nhập người khuyết tật; xây dựng quy định cụ thể về giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp...
Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật do Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày thể hiện sự nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước và báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập công ước này.
Ủy ban Đối ngoại cho rằng việc Quốc hội phê chuẩn Công ước này tại kỳ họp thứ 8 là hết sức cần thiết và nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước và báo cáo của Chính phủ không bảo lưu điều khoản nào của Công ước.
Để triển khai thực hiện Công ước sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Ủy ban đề nghị Chính phủ rà soát các quy định pháp luật ban hành nhưng chưa có các quy định chi tiết tương thích với Công ước; hoặc đã thực hiện nhưng còn gặp vướng mắc, khó khăn, qua đó đề xuất các biện pháp bảo đảm tính khả thi của các quy định đó.
Căn cứ điều kiện Việt Nam, Chính phủ cần xây dựng và đẩy nhanh lộ trình thực hiện Công ước với các yêu cầu, mục tiêu, chính sách cụ thể cho từng giai đoạn...
Đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người do Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày nêu rõ Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn Công ước chống tra tấn vào thời điểm hiện nay.
Việc phê chuẩn Công ước phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó khẳng định mọi người có quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Điều 20).
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng không những đối với công tác bảo vệ và thực thi quyền con người tại Việt Nam mà còn góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước.
Với việc trở thành thành viên đầy đủ của Công ước chống tra tấn, Việt Nam có thêm điều kiện tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế và tham gia hiệu quả hơn vào các thiết chế bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc.
Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn càng có ý nghĩa khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc ghi nhận và đảm bảo thực thi các quy định và chuẩn mực của Liên hợp quốc về nhân quyền.
Đồng thời việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn giúp Việt Nam có điều kiện tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể là quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người cho phù hợp hơn với Công ước và các quy chuẩn chung của pháp luật quốc tế về quyền con người.
Tuy vậy, Ủy ban Đối ngoại cho rằng việc trở thành thành viên chính thức của Công ước cũng đặt ra yêu cầu về việc nội luật hóa một số quy định của Công ước cũng như tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước trong việc thực thi đầy đủ các quy định của Công ước.
Ủy ban Đối ngoại nhất trí với đề xuất của Chính phủ không áp dụng trực tiếp quy định của Công ước chống tra tấn tại Việt Nam, bảo lưu quy định tại Điều 20 của Công ước liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban chống tra tấn và Khoản 1 Điều 30 về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước, đồng thời nhất trí với tuyên bố Việt Nam không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước chống tra tấn; việc thực hiện các quy định của Công ước chống tra tấn sẽ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại.
Việt Nam không coi Công ước chống tra tấn là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ là quan điểm nhất quán của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự.
Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm mở rộng diện an sinh xã hội.
Việc đưa nhóm lao động trên tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động.
Để đảm bảo tính khả thi đối với chính sách này, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng và có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định này.
Nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc dự thảo Luật quy định chính sách khuyến khích để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua việc sửa đổi quy định về mức đóng, phương thức đóng, mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ của nhà nước.
Các ý kiến cũng đã góp ý cụ thể về chế độ hưu trí và cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội; giao thẩm quyền thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội; quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội và hoạt động đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung này tại Hội trường./.
(TTXVN/VIETNAM+)