Báo Đồng Nai điện tử
En

Trang trọng kỷ niệm 100 năm ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng

03:10, 20/10/2014

Sáng 19/10, tại Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Công an và tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2014), người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Sáng 19/10, tại Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Công an và tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2014), người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Dự buổi lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh; đại diện các Ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn các thời kỳ; Bí thư Trung ương Đoàn cách mạng Lào; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang; gia đình, dòng họ đồng chí Lý Tự Trọng và gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, thiếu niên nhi đồng.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành của tuổi trẻ Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu, đối với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn ôn lại cuộc đời và sự hy sinh cao cả của đồng chí Lý Tự Trọng và truyền thống yêu nước của thanh niên Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng khẳng định lòng yêu nước đối với mỗi thanh niên Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi. Hiện nay, giữa tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động, tinh thần Lý Tự Trọng vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho thanh niên Việt Nam. Noi gương anh, tuổi trẻ cả nước sẽ không ngừng củng cố tổ chức Đoàn, kiên định đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và anh Lý Tự Trọng đã lựa chọn, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết đã khẳng định cuộc đời và tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Lý Tự Trọng trong câu nói “con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” đã trở thành cội nguồn sức mạnh, lý tưởng cách mạng bất diệt cho mọi thế hệ thanh niên Việt Nam.

Bà Hà Thị Khiết nhấn mạnh câu nói bất hủ của anh Lý Tự Trọng là tuyên ngôn của tuổi trẻ đã được giác ngộ, lời hiệu triệu hàng vạn thanh niên sống có lý tưởng với Tổ quốc, có trách nhiệm với nhân dân.

Bà Hà Thị Khiết cũng đồng thời bày tỏ, Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; khẳng định, thanh niên là rường cột của nước nhà, Đảng và Nhà nước luôn mong muốn thanh niên không ngừng trau dồi lý tưởng cách mạng, sống có bản lĩnh và kiên định đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ cha anh đã lựa chọn; không ngừng học tập, sáng tạo, đi đầu trong mọi lĩnh vực.

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng, sinh ngày 20/10/1914 tại Bản Mạy, tỉnh Nakhonphanom (Thái Lan) trong gia đình có truyền thống yêu nước thương dân, nuôi chí phục quốc. Hai bên nội ngoại của Lê Văn Trọng đều tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng. Từ nhỏ, Lê Văn Trọng đã chăm chỉ học tập, ham học hỏi và sớm hiểu được nỗi khổ cực của nhân dân ta dưới chế độ cai trị của thực dân phong kiến.

Năm 1925, “Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí” thành lập ở Quảng Châu (Trung Quốc) nhằm chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản.

Cuối năm 1926, Lê Văn Trọng được tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” chọn sang Quảng Châu học tập và được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam,” một hình thức tổ chức thanh thiếu niên Cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Lê Văn Trọng được đặt tên là Lý Tự Trọng (cùng họ với Lý Thụy - tên gọi bí mật của đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ).

Lý Tự Trọng và các thành viên trong nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam” được các đồng chí trong Tổng bộ hướng dẫn và hiểu được tại sao phải làm cách mạng đánh thực dân Pháp, vì sao phải lập Hội? Chủ nghĩa cộng sản là gì?...

Sau đó, Lý Tự Trọng được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học tại cấp Tiểu học thuộc Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu.

Qua một thời gian ngắn, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu.

Vốn thông minh hoạt bát, mưu trí, Lý Tự Trọng đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội với Đảng bạn và cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức việc chuyển thư từ, tài liệu của Đảng về nước.

Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng đã có chuyển biến mới. Các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời, Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn- Chợ Lớn đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng thời, Lý Tự Trọng được giao một nhiệm vụ đặc biệt, vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản.

Mặc dù công việc hết sức nguy hiểm, bọn mật thám suốt ngày lùng sục, nhưng nhờ tài trí thông minh, Lý Tự Trọng đã vượt qua tất cả và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tổ chức một đợt tuyên truyền tố cáo các tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi quần chúng đấu tranh.

Ngày 8/2/1931, lợi dụng lúc bà con tập trung rất đông đi xem bóng đá ở sân vận động Sài Gòn, các chiến sỹ cách mạng đã tổ chức một cuộc míttinh chớp nhoáng. Cờ đỏ búa liềm giương cao. Một đồng chí đứng lên diễn thuyết kêu gọi quần chúng đánh đổ thực dân Pháp.

Giữa lúc ấy, tên mật thám Pháp Lơgơrăng và bọn cảnh sát đi cùng đã ập tới. Không còn cách nào khác để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn chết tên mật thám cứu thoát đồng chí diễn thuyết.

Bị vây hãm ráo riết, Lý Tự Trọng đã bị bắt. Thực dân Pháp đưa anh về giam ở bốt Catina và tra tấn vô cùng dã man nhưng anh không khai báo nửa lời, chỉ nói tên anh là Nguyễn Huy. Chúng hỏi ai đưa súng cho anh thì anh nói là một người lạ mặt cho anh tiền và đưa súng bảo anh bắn. Địch đem tất cả những người bị bắt sắp hàng trên sân bốt, đưa Lý Tự Trọng ra nhận mặt, anh nhìn qua một lượt rồi lắc đầu nói: "Người ấy không có ở đây."

Một tên phản bội khai tên anh là “Trọng con” làm công tác liên lạc quan trọng. Bọn giặc mừng quýnh tưởng phen này nắm chắc đến nơi tất cả những đầu mối bí mật của phong trào cách mạng. Đích thân tên Chánh mật thám Nam Kỳ là Nađô đến hỏi cung Lý Tự Trọng.

Tất cả bọn hung ác ở Sài Gòn đều giở hết tài tra tấn và dụ dỗ. Cả bọn chủ bót Bôlô ở Chợ Lớn có tiếng là khát máu cũng được đưa đến tra tấn Lý Tự Trọng.

Chúng trói tay anh rút lên xà nhà, cho anh đi “tàu bay.” Dã man nhất, có lần chúng chụp một mũ sắt lên đầu anh, thứ mũ sắt có bắt đinh ốc đặc biệt, cứ xoáy đinh ốc là mũ kẹp chặt lấy thái dương, chúng kẹp đến nỗi mắt anh từ từ lồi ra mà anh vẫn thản nhiên chịu đựng. Chúng áp dụng nhiều đòn tra tấn khác nhưng với anh tất cả đều vô hiệu.

Giam cầm tra tấn ở khám lớn Sài Gòn một thời gian không thu được kết quả, bọn chúng đưa anh ra xử án. Run sợ trước phong trào cách mạng, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xử một chiến sỹ cộng sản Việt Nam chưa đầy 18 tuổi. Lý Tự Trọng đã bị kết án tử hình.

Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sỹ cộng sản.

Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành “hành động thiếu suy nghĩ,” anh đã gạt phắt và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác.”

Khi Bộ trưởng thuộc địa Pháp trực tiếp gặp Lý Tự Trọng và thốt ra những giọng điệu nhân đạo sặc mùi thực dân: “Tuổi thanh niên ngông cuồng, nước Pháp sẵn sàng tha thứ cho anh. Đối với những người thông minh chính phủ bao giờ cũng nâng đỡ chỉ cần anh thật thà hối cải. Nếu muốn anh có thể sang Pháp học để trở về giúp đất nước, tha hồ quyền cao chức trọng, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sung sướng.”

Đáp lại giọng giả nhân, giả nghĩa đó của Bộ trưởng thuộc địa Pháp, Lý Tự Trọng đã dõng dạc quát vào mặt hắn: “Ta sinh ra không phải để ăn thứ cơm ấy”.

Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Thực dân Pháp đã không dám xử công khai Lý Tự Trọng. Lợi dụng lúc nửa đêm về sáng ngày 21/11/1931, chúng đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn hòng giết anh trong im lặng nhưng tấm gương đấu tranh kiên cường anh dũng và những tiếng hô của anh: “Đả đảo thực dân Pháp,” “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm,” “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm” đã cổ vũ mạnh mẽ, tạo một làn sóng căm phẫn phản đối tội ác của thực dân Pháp đối với tù nhân trong khám lớn Sài Gòn.

Lý Tự Trọng đã hiên ngang bước lên máy chém, hát vang bài "Quốc tế ca"./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều