Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách cần hướng nhiều hơn đến doanh nghiệp

04:10, 21/10/2014

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 21-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015; kết quả thực hiện ngân sách năm 2014; dự toán ngân sách năm 2015.

[links()]Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 21-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Báo cáo của Chính phủ phản ánh khách quan bức tranh kinh tế-xã hội đất nước

Qua thảo luận, các đại biểu thể hiện sự đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Giết mổ heo, gà tại Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai.
Một số ý kiến đề nghị xem xét, sửa đổi thuế giá trị gia tăng đầu vào của sản xuất nông nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong ảnh: Giết mổ heo, gà tại Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai.

Hầu hết ý kiến các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là chỉ đạo, điều hành sâu sát, nhạy bén, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, đã thực hiện đạt mục tiêu tổng quát và hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Nhiều ý kiến cho rằng Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh trung thực, khách quan về bức tranh kinh tế-xã hội hiện nay, từ đó xác định cụ thể, chính xác và khả thi các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Các ý kiến tán thành với những kết quả đã đạt được trong an sinh xã hội, nhất là chính sách, pháp luật ưu đãi người có công được hoàn thiện và triển khai kịp thời, các chính sách giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm; thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hệ thống chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt trên một số ngành, lĩnh vực như ngành thuế, hải quan, xây dựng, đầu tư; cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được người dân đánh giá cao.

Đặc biệt, năm 2014 công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế được tập trung thực hiện; nhiều đạo luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách tư pháp đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược

Tán thành với nhiều nội dung đề cập trong Báo cáo của Chính phủ, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đưa ra phân tích, báo cáo nêu tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn, nhưng tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước và chỉ tiêu tạo việc làm mới hàng năm đạt xấp xỉ 1,6 triệu lao động là chưa thuyết phục.

Nhiều ý kiến cho rằng với thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua, nhưng số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa phản ánh đúng thực tế, cần đánh giá thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp.

Nhấn mạnh tới sự bảo đảm để phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tạo lập một thị trường tốt để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề xuất cần tập trung giải quyết các nút thắt của nền kinh tế, trong đó việc hoàn thiện thể chế cần triển khai ngay các đạo luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013 như dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)…

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Thái Bình) cho rằng năm 2015, cần quan tâm nhiều hơn cho duy trì tăng trưởng kinh tế; cần phải bảo đảm hài hòa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng.

Nhiều ý kiến cho rằng chính sách cần hướng nhiều hơn nữa đến doanh nghiệp để giúp tăng trưởng, phát triển hơn nữa.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với các giải pháp Chính phủ xác định thực hiện trong năm 2015 tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014.

Một số ý kiến đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đổi mới mạnh mẽ trong quản lý nhà nước, kinh tế, tài chính công; tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan trung ương đi đôi với nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cần tìm giải pháp về thuế, lãi suất, hấp thụ vốn tín dụng đủ mạnh và thanh toán nợ đọng của các dự án sử dụng nguồn đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Rà soát, bổ sung các chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả rõ rệt hơn về giá trị gia tăng và nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, trong đó xem xét, sửa đổi thuế giá trị gia tăng đầu vào của sản xuất nông nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng nguồn lực đầu tư công.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề xuất năm 2015 ngân sách nhà nước cần tập trung đầu tư cho áp dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Tán thành với các nhóm giải pháp của Chính phủ trong năm 2015, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhấn mạnh tới giải pháp triển khai thi hành các luật để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Đánh giá công tác cán bộ là gốc, đại biểu đề nghị cần tăng cường quản lý cán bộ, công chức các cấp, các ngành, nâng cao chất lượng cán bộ, đề cao tính gương mẫu của người đứng đầu...

Đại biểu Bùi Thị An đánh giá công tác chuẩn bị nguồn nhân lực hiện còn chưa tốt, vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm và cần quan tâm nhiều hơn nữa nội dung này.

Tán thành với đánh giá này, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường nêu thực tế năng suất lao động của Việt Nam hiện không cao. Câu chuyện về năng suất cần được giải quyết, trong đó năng suất lao động liên quan mật thiết tới bài toán về chất lượng nguồn nhân lực.

Nhiều ý kiến đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thực tế; tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết của Quốc hội; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực giáo dục đào tạo; đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội; ưu tiên nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

Nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục triển khai tốt chính sách an sinh xã hội và ưu tiên người có công; xử lý cơ bản tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương, nâng cao chất lượng chữa trị cấp tỉnh, cấp huyện. Năm 2015 cần bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, hoàn thiện các Trung tâm cụm xã và Trung tâm xã, các dự án cấp bách, ổn định dân cư và tạo sinh kế thuận lợi hơn cho người dân...

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ.

TTXVN

Tin xem nhiều