(ĐN)- Như tin đã đưa, sau phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VIII, sáng nay 26-9, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nghe một số Tờ trình của UBND tỉnh về các vấn đề kinh tế- xã hội.
(ĐN)- Như tin đã đưa, sau phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VIII, sáng nay 26-9, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nghe một số Tờ trình của UBND tỉnh về các vấn đề kinh tế- xã hội.
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao |
Theo Tờ trình của UBND tỉnh về sửa đổi việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh do Phó giám đốc Sở Tài chính Đinh Việt Tiến trình bày, từ ngày 1-1-2015, mức thu phí giao thông đường bộ sẽ giảm so với quy định trước đây. Cụ thể, loại xe có dung tích xi lanh dưới 100cm3 là 50 ngàn đồng/xe/năm (mức thu hiện tại là 80 ngàn đồng/ xe/năm); loại xe có dung tích xi lanh trên 100cm3 là 105 ngàn đồng/xe/năm (mức thu hiện tại là 120 ngàn đồng/xe/năm). Riêng xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ 1 xi lanh áp dụng mức thu theo thông tư của Bộ Tài chính là 2,16 triệu đồng/xe/năm.
Việc giảm mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh lần này là nhằm đảm bảo mức thu không quá chênh lệch so với các địa phương lân cận như các tỉnh: Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ điều tiết 100% phí sử dụng đường bộ về cho ngân sách các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa. Ngân sách cấp huyện sử dụng nguồn thu được điều tiết để cấp chi cho UBND xã đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới đúng quy định pháp luật hiện hành.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa VIII |
Tờ trình Phê duyệt Đề án chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo và chính sách đối với các hộ mới thoát nghèo tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015-2020 do Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng trình bày thì cho biết, hiện nay tỉnh đang áp dụng chuẩn nghèo đã được phê duyệt từ năm 2010. Tính đến cuối năm nay, dự kiến toàn tỉnh còn khoảng 7 ngàn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ dưới 1% số hộ dân.
Tuy thu nhập và đời sống của một bộ phận hộ nghèo đã có cải thiện so với trước, nhưng thực tế, số hộ vượt qua mức chuẩn nghèo vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, việc ban hành chuẩn nghèo mới là cần thiết. UBND tỉnh đề xuất chuẩn nghèo mới, giai đoạn 2015-2020 như sau: hộ nghèo là hộ có thu nhập từ 1tr đồng/tháng trở xuống khu vực nông thôn, từ 1,2 tr đồng/tháng trở xuống khu vực thành thị; hộ cận nghèo là hộ có thu nhập từ 1.001.000 đến 1,3 triệu đồng/tháng khu vực nông thôn; từ 1.201.000 đến 1.560.000 khu vực thành thị. Nếu theo chuẩn mới này, giai đoạn 2015-2020 dự kiến Đồng Nai có khoảng 54-56 ngàn hộ nghèo, 23-24 ngàn hộ cận nghèo.
Còn Tờ trình Đề án “một số quy định đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-môi trường Đặng Minh Đức trình bày cũng cho biết, Đề án đã được thông qua từ năm 2006 đến nay đã không còn phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế tại địa phương. Do đó, UBND tỉnh đã xây dựng đề án mới, ban hành một số quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn khi nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, có 13 nội dung được UBND tỉnh quy định chi tiết, chặt chẽ, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ khá mới như: hỗ trợ đối tượng thuộc diện chính sách, hỗ trợ học phí, hỗ trợ dịch vụ y tế…cho đối tượng phải di dời; thưởng cho đối tượng chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật về thu hồi đất...
Ngọc Thư