Báo Đồng Nai điện tử
En

Cụ thể hóa nội dung Hiến pháp trong Bộ luật Dân sự sửa đổi

11:09, 22/09/2014

Sáng 22-9, phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) làm việc buổi đầu tiên, cho ý kiến về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) - bộ luật quy mô lớn nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay...

Sáng 22-9, phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) làm việc buổi đầu tiên, cho ý kiến về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) - bộ luật quy mô lớn nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay, điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội trong giao lưu dân sự. Bộ luật này cũng là nền tảng pháp lý cho hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chi tiết, rà soát kỹ nội dung các dự thảo luật trong chương trình phiên họp nhằm chuẩn bị thật tốt các dự thảo trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sắp tới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, kỳ họp thứ 8 tới sẽ là kỳ họp có thời lượng dài nhất từ trước đến nay trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với khối lượng lớn các dự án xây dựng luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp.

Trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm hoàn thiện Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức trong quan hệ dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp đã được sửa đổi. Đáng chú ý, do tầm quan trọng của dự án, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) dự kiến sẽ được tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia về pháp luật dân sự và người dân và sẽ được cho ý kiến trong 3 kỳ họp của Quốc hội.

Góp ý tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo kỹ lưỡng về phạm vi của dự thảo luật, đảm bảo đúng nguyên tắc “việc dân sự cốt ở đôi bên”. “Những nội dung đã được sửa đổi trong Hiến pháp cũng phải được sửa đổi trong Bộ luật Dân sự, trong đó chú trọng đến việc mở rộng hơn nữa quyền dân chủ. Các nội dung sửa đổi cần đảm bảo trên cơ sở kế thừa tinh hoa của Bộ luật Dân sự cũ kết hợp với quá trình thực tế thi hành pháp luật và bám sát tinh thần Hiến pháp” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Quang Vũ

 

Tin xem nhiều