(ĐN) – Theo thông tin từ Tổ chức kỷ lục Việt Nam, Văn Miếu Trấn Biên (tọa lạc tại phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) vừa được công nhận là 1 trong 5 Văn miếu đánh dấu nền học vấn lâu đời ở Việt Nam.
(ĐN) – Theo thông tin từ Tổ chức kỷ lục Việt Nam, Văn Miếu Trấn Biên (tọa lạc tại phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) vừa được công nhận là 1 trong 5 Văn miếu đánh dấu nền học vấn lâu đời ở Việt Nam.
Theo sách Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng năm 1715 dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. Đây là trung tâm đào tạo nhân tài của xứ Đàng Trong và là nơi thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam xưa ở mảnh đất phương Nam trên bước đường khai phá
Văn miếu Trấn Biên - Ảnh đoạt giải nhất về đề tài Văn miếu Trấn Biên của tác giả Huỳnh Như Lưu |
Năm 1794, Văn miếu Trấn Biên được trùng tu và mở rộng quy mô với nhiều hạng mục: Đại thành điện, Đại thành môn, Thần miếu, Dục Thánh từ, Khuê Văn các, Dụng lễ đường, Sùng văn đường. Năm 1852, dưới thời vua Tự Đức, Văn miếu tiếp tục được trùng tu. Năm 1861, khi thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Văn Miếu đã bị tàn phá.
Ngày 9-12-1998, Văn miếu Trấn Biên được khởi công khôi phục lại trên nền Văn miếu cũ tại phường Bửu Long và đến tháng 2-2002 thì hoàn thành. Hiện nay, Văn Miếu Trấn Biên là địa điểm sinh hoạt truyền thống của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh Văn miếu Trấn Biên, 4 Văn miếu khác, là: Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội); Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên); Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương); Văn Thánh Miếu (Thừa Thiên – Huế) cũng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận trong dịp này.
Khách hành hương đến núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc). |
* Ngoài Văn miếu Trấn Biên, Di tích danh lam thắng cảnh Núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) cũng được công nhận là 1 trong 5 ngọn núi hấp dẫn du khách khám phá. Theo hồ sơ xếp hạng di tích do Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh thực hiện: Núi Chứa Chan cao 837m là ngọn núi cao thứ 2 ở khu vực Đông Nam bộ (sau núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh cao 986m).
Di tích núi Chứa Chan nằm trên địa bàn 4 xã: Xuân Thọ, Xuân Trường, Xuân Hiệp, Suối Cát và thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc), với diện tích 1.739 hécta. Từ chân núi đến định núi có các chùa: Bửu Quang, Lâm Sơn, Linh Sơn, mật khu Hầm Hinh, vườn trà Bảo Đại... Năm 2012, núi Chứa Chan được Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch công nhận là di tích danh thắng cấp Quốc gia.
Sông Thao