Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn còn tình trạng nhà ở xã hội bán theo giá nhà thị trường

04:08, 12/08/2014

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, nhà ở xã hội phải đảm bảo cho các đối tượng khó khăn có khả năng mua, thuê..., nhưng vừa qua vẫn còn tình trạng nhà ở xã hội bán theo giá nhà ở thị trường...

 Tiếp tục Phiên họp thứ 30, sáng 12-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, nhà ở xã hội phải đảm bảo cho các đối tượng khó khăn có khả năng mua, thuê... nhưng vừa qua vẫn còn tình trạng nhà ở xã hội bán theo giá nhà ở thị trường. “Người có thu nhập trung bình mua còn khó, nói gì đến người thu nhập thấp” - ông Ksor Phước nhấn mạnh như vậy.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Ksor Phước, chính sách nhà ở xã hội không nên ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư mà cần xác định đúng đối tượng ưu tiên là người nghèo không có nhà ở.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị đối tượng người nghèo thành thị cần được bình đẳng với người nghèo nông thôn; đối tượng chính sách, người có công đã được hỗ trợ xây nhà ở, nhưng nhà ở bị cũ, hỏng sau khi đã hết các chương trình hỗ trợ, cần được vay vốn ưu đãi để sửa chữa...

Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với quan điểm cần có Quỹ phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ vốn cho các đối tượng khó khăn về nhà ở. Việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội là để tạo thêm một kênh huy động vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định và thời gian cho vay dài hạn của các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở nhằm hỗ trợ các đối tượng khó khăn về nhà ở được vay vốn từ Quỹ để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Tán thành với quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, không yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành phố phải thành lập quỹ mà chỉ quy định thành lập quỹ tại một số địa phương nhất định. Việc quy định thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, người nghèo chưa đủ khả năng tài chính có thể tạo lập chỗ ở bằng việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để quy định rõ hơn trong dự thảo Luật về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở xã hội để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện thống nhất...

Cũng tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước, rất nhiều cán bộ đã được điều động, luân chuyển từ trung ương về địa phương hoặc từ địa phương lên trung ương, từ địa phương này đến địa phương khác công tác, trong đó không chỉ có các đối tượng là cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh. Nếu quy định chỉ bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao có yêu cầu bảo vệ an ninh hoặc chỉ bố trí cho các cán bộ tại khu vực vùng sâu, vùng xa mà không bố trí nhà ở công vụ cho các cán bộ tại các thành phố lớn thì việc thực hiện chính sách điều động, luân chuyển cán bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên thực tế.

Việc quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thuê là rất cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho những người này yên tâm công tác. Đây cũng là một trong những chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước đang được triển khai trên thực tế theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành.

Tán thành với quan điểm cần thiết phải có chính sách về nhà ở công vụ nhưng nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ đối tượng, chính sách, giá nhà ở công vụ..., Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cần có quy định mức nhà ở công vụ cụ thể, tương ứng với cấp bậc công tác. Theo ông, không thể có chế độ “cào bằng” trong áp dụng chính sách nhà ở công vụ.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần có cách tính chung, tránh việc mỗi nơi áp dụng một kiểu dẫn đến sự không công bằng trong thực hiện chính sách nhà công vụ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung như thời hạn sử dụng nhà chung cư, sở hữu chung nhà chung cư; thời điểm chuyển quyền sở hữu; sở hữu chung nhà chung cư...

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc đổi tên và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật từ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề thành dự án Luật giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật giáo dục nghề nghiệp sẽ được mở rộng, gồm cả trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, để bao quát toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Thảo luận về việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với nội dung trong Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho rằng Luật quy định một cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và giao cho Chính phủ phân công cụ thể cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng và đề nghị cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp cần được nêu rõ trong dự thảo luận, là căn cứ để phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước.

Về việc thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp, một số ý kiến tán thành không nên quy định trong Luật này tỷ lệ cụ thể ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp cũng như cơ chế phân bổ mà nên giao cho Chính phủ quyết định linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể của từng giai đoạn.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều