Lâu nay, phương châm của các cấp ủy Đảng là "Nơi nào có thanh niên, nơi đó có tổ chức Đoàn". Thế nhưng, ở các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai, điều ấy dường như rất khó thực hiện.
Lâu nay, phương châm của các cấp ủy Đảng là “Nơi nào có thanh niên, nơi đó có tổ chức Đoàn”. Thế nhưng, ở các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai, điều ấy dường như rất khó thực hiện. Bởi, trên thực tế, số lượng tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai đến nay còn chiếm tỷ lệ rất thấp: chỉ khoảng 1,2%...
Bài 1: Gian nan quá trình thành lập
Cánh cửa của tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp FDI hiện chưa mở rộng, khi chỉ có 12 trong tổng số 998 doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai chịu “mở cửa” cho tổ chức Đoàn thành lập.
Tỷ lệ tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai tính đến tháng 6-2014. |
Với những giải pháp truyền thống hiện nay, như: nâng cao nhận thức giới chủ nước ngoài, tổ chức hoạt động Đoàn thiết thực hơn cho thanh niên công nhân,… thì việc phát triển tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp FDI chắc chắn vẫn sẽ là bài toán khó.
* Năn nỉ là chính
Đến Việt Nam đầu tư nhà máy, cơ sở làm ăn với mục đích chính là đem lại doanh thu, nên mối quan tâm hàng đầu của giới chủ doanh nghiệp FDI là thu được lợi nhuận. Trong suy nghĩ của phần đông các chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài hiện nay, việc thành lập các tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp có thể khiến lực lượng công nhân phân tâm, xao nhãng công việc chuyên môn, mất thời gian sản xuất của doanh nghiệp… Vì thế, việc triển khai thành lập tổ chức Đoàn để tập hợp thanh niên trong khối doanh nghiệp FDI rất gian nan.
“Thành lập hay không thành lập? Mặn mà hay hời hợt với các sinh hoạt Đoàn?… tất cả đều phải trông chờ vào nhận thức của giới chủ” - chị Võ Thị Huỳnh Mai, Bí thư Thành đoàn Biên Hòa chia sẻ. Cũng theo chị Mai, việc thành lập các tổ chức chính trị trong các doanh nghiệp FDI đến nay vẫn chưa được luật hóa. Nếu như Luật Lao động đã quy định cụ thể về thời gian, quy mô thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, thì việc quy định thành lập các tổ chức chính trị như: Đoàn, Hội cho thanh niên công nhân hiện vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo khảo sát của Tỉnh đoàn Đồng Nai, những năm qua hiệu quả công tác xây dựng tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp FDI là chưa cao. Lãnh đạo một số doanh nghiệp do tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, ít quan tâm đến việc thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp. Cụ thể, nếu như năm 2013, toàn tỉnh có 12 tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp FDI với 622 đoàn viên, thì trong 6 tháng đầu năm 2014, con số này vẫn dậm chân tại chỗ.
* Khi tư tưởng chưa thông
Như vậy, rõ ràng thời gian qua, việc thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp FDI chủ yếu vẫn là “thương thảo” với giới chủ. Song, với lực lượng cán bộ Đoàn ở cơ sở mỏng như hiện nay, việc đi gõ cửa từng doanh nghiệp được ví như “đãi cát tìm vàng”.
Công nhân dành phần lớn thời gian tập trung vào dây chuyền sản xuất, tăng ca, nên không có nhiều thời gian dành cho sinh hoạt Đoàn. Trong ảnh: Công nhân Công ty Vpic Khu công nghiệp Hố Nai trong giờ sản xuất (Ảnh: Công Nghĩa). |
Theo anh Nguyễn Bình Nam, Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch, Huyện đoàn cũng đã từng rà soát doanh nghiệp FDI nào có Tổ chức cơ sở Đảng thì sẽ phối hợp thành lập tổ chức Đoàn ở đó trước. Tuy nhiên, cách làm này xem ra vẫn còn bị động, nhất là khi người bí thư chi bộ không có tiếng nói, không có quyền quyết định trong doanh nghiệp FDI. Hiện, Huyện đoàn Nhơn Trạch chỉ có duy nhất 1 tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp FDI là Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Châu Âu (100% vốn Ba Lan) với 31 đoàn viên thanh niên.
Trong khi đó, anh Lý Trung Kiên, Bí thư Đoàn Khối doanh nghiệp cho hay: “Khi đến doanh nghiệp liên hệ thành lập tổ chức Đoàn, chúng tôi luôn gặp trở ngại từ cánh cổng bảo vệ. Nhưng thực tế chúng tôi không ngại bị hẹn lần hẹn lữa, mà lo nhất là không thể gặp được giới chủ doanh nghiệp - người có quyền quyết định việc có được thành lập tổ chức Đoàn hay không? Người cao nhất mà chúng tôi tiếp cận được là giám đốc nhân sự”.
Từ những khó khăn đã nêu, trong số 62 cơ sở Đoàn do Đoàn Khối doanh nghiệp quản lý tại các khu công nghiệp lớn, như: Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Lotecco, Amata, Tam Phước,...hiện cũng chỉ mới có 2 doanh nghiệp FDI có tổ chức Đoàn, đó là Công ty Ajinomoto và Công ty dây đồng Việt Nam CFI.
Chị Võ Thị Huỳnh Mai, Bí thư Thành đoàn Biên Hòa cho biết, nếu vượt qua được cổng bảo vệ và được giới chủ doanh nghiệp bỏ thời gian tiếp, thì xem như “đầu đã xuôi”. Song, để “đuôi có lọt” thì lại phụ thuộc vào năng lực và “tài” thuyết phục của cán bộ Đoàn.
Theo chị Lê Thị Ngọc Loan, Phó bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai, ý thức được việc tập họp lực lượng thanh niên công nhân nói chung và thanh niên trong các doanh nghiệp FDI nói riêng, từ nhiền năm nay, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn hàng năm đều giao chỉ tiêu thành lập tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trong đó chú trọng vào doanh nghiệp FDI. Từ đó, Đoàn cấp huyện sẽ bắt tay xây dựng kế hoạch và thành lập các tổ công tác, tổ chức khảo sát tình hình thanh niên công nhân tại các doanh nghiệp, tiếp cận lãnh đạo các doanh nghiệp giới thiệu về tổ chức Đoàn, thâm nhập nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thanh niên… Cái khó mấu chốt của tổ công tác là nằm ở khâu tiếp cận lãnh đạo doanh nghiệp. |
Cũng theo chị Võ Thị Huỳnh Mai, cán bộ Đoàn phải thực sự vững về chính trị, am hiểu về kinh tế và nêu bật được những gì chủ doanh nghiệp quan tâm, thì mới thuyết phục được họ. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là một rào cản. Nếu cán bộ Đoàn có thể trực tiếp trao đổi với giới chủ, mọi việc sẽ thuận tiện hơn. Thuyết phục là vậy, nhưng khi tư tưởng giới chủ chưa thông và mình cũng không có bất cứ ràng buộc gì để họ chấp thuận, thì việc xúc tiến rất khó. Bằng chứng là trong tổng số 998 các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Đồng Nai, hiện chỉ có 12 chủ doanh nghiệp chấp thuận thành lập tổ chức Đoàn.
* Tồn tại hay không tồn tại?
Chị Lê Thị Ngọc Loan, Phó bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai cho biết, việc thành lập tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp FDI đã khó, mà duy trì hoạt động của các tổ chức Đoàn này càng khó hơn.
Trên thực tế, trong số 12 tổ chức Đoàn đã được thành lập tại các doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai hiện nay không phải tổ chức Đoàn nào cũng hoạt động thuận lợi. Nguyên nhân trước hết là các đoàn viên thanh niên trong doanh nghiệp rất eo hẹp về thời gian sinh hoạt Đoàn, vì phần lớn thời gian họ phải tập trung cho dây chuyền sản xuất, tập trung tăng ca và sau đó còn phải về chăm lo cho gia đình.
Đó là chưa kể, việc tổ chức các hoạt động Đoàn càng khó hơn nếu không có kinh phí, nhất là trong những năm gần đây tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến thị trường kinh doanh bị thu hẹp, thiếu vốn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, giới chủ doanh nghiệp cùng công nhân phải dồn sức vào sản xuất, khiến hoạt động Đoàn không thuận lợi.
Riêng đối với cán bộ Đoàn ở các tổ chức Đoàn tại doanh nghiệp FDI khi được triệu tập dự họp, tập huấn công tác Đoàn của tổ chức Đoàn cấp trên đều phải “hy sinh” ngày làm việc, xin nghỉ phép không tính công theo quy định.
Lâm Viên
(Còn tiếp Bài 2: Để tổ chức Đoàn thực sự là cầu nối)