Trong hai ngày 27-28/8, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2014 thảo luận, cho ý kiến về một số Đề án, Báo cáo quan trọng.
Trong hai ngày 27-28/8, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2014 thảo luận, cho ý kiến về một số Đề án, Báo cáo quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: TXVN) |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường Đại học đã được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong Luật Giáo dục Đại học.
Việc thực hiện thí điểm tự chủ với bốn trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại Thương và Đại học Hà Nội) thu được kết quả tốt, làm cơ sở để tăng thêm quyền tự chủ cho các trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có nghĩa là không có quản lý nhà nước. Để được tự chủ thì phải có đề án trình cơ quan chức năng phê duyệt với các tiêu chí, điều kiện cụ thể, có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra. Đây chính là khung quản lý đối với các trường.”
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho các đối tượng sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, cận nghèo. Thủ tướng cũng lưu ý việc tổ chức hội đồng trường để tăng cường hiệu quả quản lý, chất lượng hoạt động các trường được giao tự chủ.
Về Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, Chính phủ nhất trí thông qua, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện Đề án, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đề án phải làm rõ những điểm then chốt, nhất là những điểm mang tính nguyên tắc, những nội dung đổi mới, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí.
Theo dự thảo đề án, hệ thống giáo dục phổ thông trước mắt vẫn giữ nguyên 12 năm đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Dự thảo đưa ra hai phương án về xây dựng sách giáo khoa, theo đó phương án 1 là Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp biên soạn bộ sách giáo khoa mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thẩm định chất lượng các bộ sách giáo khoa được tổ chức, cá nhân biên soạn. Ý kiến các các thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1.
Trao đổi về Báo cáo tóm tắt kết quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin năm 2013 của các cơ quan Nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, công nghệ thông tin là phương tiện vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, vừa phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
“Mục đích báo cáo để các Bộ, ngành, địa phương biết mình đang đứng ở đâu để cố gắng hơn,” Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành, địa phương, theo đó, có 11 Bộ, ngành xếp mức khá, 8 trung bình; 3 địa phương xếp mức tốt, 8 địa phương khá và 51 địa phương xếp mức trung bình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý chủ trương giao Bộ Khoa học và Công nghệ trình duyệt theo thẩm quyền, theo các quy định của pháp luật về cơ chế, chính sách đặc biệt đối với Viện Khoa học công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST).
Về đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghiệp lùi hiệu lực Thông tư 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực từ ngày 1/9/2014 có nhiều quy định không khả thi, Thủ tướng Chính phủ nhất trí tạm dừng thực hiện Thông tư 20 để nghiên cứu, tiếp thu thêm các ý kiến.
Thủ tướng lưu ý: “Phải đặt mình vào vị trí người dân, doanh nghiệp, quy định phải phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi.”
Trước ý kiến của một số thành viên Chính phủ về quy định việc mua, bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu hàng hoá không quá 2 triệu đồng/người/ngày (theo Quyết định 254/2006/QĐ-TTg) là tạo ra kẽ hở cho buôn lậu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét hủy bỏ quy định này.
Thủ tướng nêu rõ: “Không để lợi dụng chính sách tiếp tay cho buôn lậu, gây hại cho sản xuất trong nước”.
Ý kiến của Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế, cả trong các cơ quan hành chính cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, từ nay đến năm 2016 không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, nhất là ở khu vực sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp lập thêm tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.