(ĐN)- Sau gần một tuần được phẫu thuật, sức khỏe của em T.H.P, 14 tuổi (ở TP. Biên Hòa) đã ổn định, đặc biệt tinh hoàn của em đã được cứu sống trong tình trạng nguy cấp.
(ĐN)- Sau gần một tuần được phẫu thuật, sức khỏe của em T.H.P, 14 tuổi (ở TP. Biên Hòa) đã ổn định, đặc biệt tinh hoàn của em đã được cứu sống trong tình trạng nguy cấp.
Bệnh nhân được chăm sóc tại bệnh viện |
Trước đó, ngày 9-8, P. được gia đình đưa vào Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng bụng đau dữ dội kèm sưng vùng bìu trái. Qua siêu âm mạch máu, các bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp xoắn tinh hoàn trái giờ thứ 6, cần phẫu thuật cấp cứu. Trong lúc phẫu thuật, bác sĩ thấy tinh hoàn trái của bệnh nhân bầm tím do cuống mạch nuôi tinh hoàn bị xoắn 2 vòng gây tình trạng thiếu máu. Sau khi tháo xoắn và bảo tồn, các bác sĩ còn cố định tinh hoàn phải để tránh tình trạng bị xoắn sau này. Hiện tinh hoàn của P. đã có dấu hiệu sống trở lại.
Theo bác sĩ Chu Văn Lai, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, tinh hoàn thường được cố định chắc chắn tại bìu. Tuy nhiên trong một số trường hợp bất thường, tinh hoàn chỉ bám lỏng lẻo nên rất dễ bị xoắn. Nếu không đến kịp bệnh viện trước 6 giờ đồng hồ, tinh hoàn sẽ bị hoại tử và phải cắt bỏ, người bệnh sẽ vô sinh vĩnh viễn. Bệnh xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, trẻ em thường hay bị. Vì thế, nếu phụ huynh thấy trẻ đau bụng dữ dội, bộ phận sinh dục của trẻ sưng lên, kèm triệu chứng nôn ói, nên đưa sớm đến bệnh viện chuyên khoa để được xử lý kịp thời, tránh nguy cơ cắt bỏ tinh hoàn đáng tiếc – bác sĩ Lai nói.
Đây là ca cứu sống tinh hoàn đầu tiên tại bệnh viện.
Phương Liễu