Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 23/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Ngọc Ánh phát biểu ý kiến. |
Với 86,14% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 20 Chương, 170 Điều. Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
Tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường, phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Bảo vệ môi trường cần gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu; phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Luật cũng quy định bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải; bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; bảo vệ môi trường bảo đảm không phương hại chủ quyền, an ninh quốc gia. Hoạt động bảo vệ môi trường phải thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.
Theo quy định của Luật, quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia gồm các nội dung đánh giá hiện trạng môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường và biến đổi khí hậu; phân vùng môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường rừng; quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông; quản lý chất thải; hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc môi trường.
Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương bằng một quy hoạch riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội.
* “Đoạn trường” trong thi hành án
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, nhiều đại biểu không tán thành sửa đổi Điều 30 Luật hiện hành theo hướng giao tòa án nhân dân ra “quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành” như Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật.
Các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Hồ Văn Năm (Đồng Nai), Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Trần Đình Long (Đắc Nông)... đánh giá có một thực tế hiện nay là vai trò của Tòa án trong thi hành án dân sự rất mờ nhạt.
Nhiều bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, không có tính khả thi, cơ quan Thi hành án đề nghị giải thích, đính chính hay xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhưng chậm được đáp ứng.
Việc này dẫn tới bản án, quyết định bị chậm thi hành hoặc không thể thi hành được, kéo theo việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài. Vì vậy, tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa trong công tác thi hành án là cần thiết giúp Tòa án kiểm soát được phán quyết của mình để bản án có hiệu lực thực sự, song không có nghĩa là đem thẩm quyền của cơ quan hành pháp giao cho cơ quan tư pháp thực hiện.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu rõ trước hết, Luật cần tăng trách nhiệm của Tòa trong việc tuyên án rõ ràng hơn, khả thi hơn, giải thích bản án nhanh hơn. Đại biểu lý giải trách nhiệm của Tòa án là cơ quan xét xử, ra bản án, còn việc thi hành bản án đó như thế nào thuộc về cơ quan hành pháp.
Cơ quan hành pháp thi hành án theo Luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình, do đó không nên tạo ra sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Nếu để Tòa phải ra quyết định thi hành án có thể thiếu khách quan theo hướng phán quyết tạo thuận lợi cho mình.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đánh giá tác động và đưa ra những lập luận cụ thể về việc nếu quy định giao cho Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành án như dự thảo Luật có giải quyết được những vấn đề vướng mắc, bất cập trong thi hành án dân sự hiện nay, có giảm được lượng án tồn đọng và vì sao phải phát sinh thêm thủ tục này.Chung quan điểm trên, đại biểu Hồ Văn Năm đề nghị giữ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của tòa án như quy định của Luật thi án dân sự hiện hành. Theo đại biểu Hồ Văn Năm, trong thời gian tới, khi thành lập Tòa án khu vực, thủ tục phát sinh thêm này sẽ khiến người được thi hành án phải đi lại nhiều lần, tốn kém thời gian không cần thiết.
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, phải tính tới tính khả thi, hiệu lực thi hành khi giao cho Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, nếu không sẽ vô tình làm hạ thấp vai trò của Tòa án.
Khi bản án được quyết định đưa ra thi hành còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan của cơ quan thi hành án chứ không phải cơ quan ra quyết định thi hành. Nếu giao cho Tòa án có trách nhiệm đưa ra yêu cầu mà không giao quyền giám sát sẽ không có tác dụng.
Một vấn đề gây nhiều băn khoăn và có những ý kiến trái chiều trong các đại biểu là quy định người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án. Đại biểu H’Yim Kđoh (Đắk Lắk) đề nghị cần giữ quy định người thi hành án làm đơn thi hành như quy định hiện hành, nhằm phù hợp với tính chất hoạt động thi hành án dân sự, bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự.Tuy nhiên, các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Hồ Văn Năm (Đồng Nai), Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) lại cho rằng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án mà không cần đơn yêu cầu của người được thi hành án là phù hợp trong thời điểm hiện nay.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh lý giải quan điểm này phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hơn nữa, khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Đây cũng chính là trách nhiệm của cơ quan thi hành án, góp phần bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Nếu yêu cầu người được thi hành án phải có đơn mới thi hành là quá cứng nhắc, gây khó khăn cho người được thi hành án, nhất là người được thi hành án có trình độ hiểu biết còn thấp, người được thi hành án là dân tộc ít người, ở vùng sâu, vùng xa...
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu đương sự tự thỏa thuận giải quyết sẽ lập biên bản ra quyết định điều chỉnh việc thi hành án, nếu đương sự không yêu cầu nữa sẽ ra quyết định đình chỉ việc thi hành án.Ví thi hành án hiện nay như một “đoạn trường,” đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ ra một thực tế đáng buồn là nhiều người đã chết vài năm vẫn chưa được thi hành án.
Đại biểu đề nghị phải sửa đổi quy định về người được thi hành án phải làm đơn yêu cầu bằng việc giao cho Tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định để tạo lòng tin trong nhân dân. Trong Nhà nước pháp quyền, quyết định tư pháp có tính chất bắt buộc thi hành. Đại biểu nhấn mạnh Tòa án ra quyết định thi hành án là phù hợp, đã có bản án, mọi người phải thi hành mà không cần yêu cầu phải làm đơn.
Nhiều nội dung liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án, thi hành án khi có thay đổi giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án và thẩm quyền kê biên tài sản thi hành án... cũng được các đại biểu tập trung thảo luận./.