Báo Đồng Nai điện tử
En

Thắt lưng, buộc bụng trước tình hình bất ổn tại biển Đông

07:06, 11/06/2014

(ĐN)- Như tin đã đưa, chiều 10-6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã bắt đầu nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, lãnh đạo 4 Bộ, ngành là thành viên Chính phủ và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn...

(ĐN)- Như tin đã đưa, chiều 10-6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã bắt đầu nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, lãnh đạo của 4 Bộ, ngành là thành viên Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội... mà đại biểu và các cử tri cả nước quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn

* Bài toán giải quyết các loại "nợ"

Ngay trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc lựa chọn các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn lần này là nhằm tiếp cận, đi sâu và giải quyết có hiệu quả các các loại "nợ" đang vướng phải, trong đó có: nợ công, nợ thu ngân sách, nợ thuế; nợ giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên và người lao động sau đào tạo; nợ ban hành văn bản thực thi và hướng dẫn thi hành pháp luật; nợ những biện pháp hữu hiệu để xử lý, ngăn chặn tình trạng tham những, lãng phí...

Để giải quyết các loại "nợ" về tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - người mở đầu cho phiên chất vấn – đã tập trung vào các vấn đề, như: nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công; về cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, kỷ luật tài khóa; về tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước; về công tác quản lý, kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân và vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và giải pháp thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn.

Tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Y tế và Tổng kiểm toán nhà nước và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan khác.

* Thắt lưng, buộc bụng trước tình hình biển Đông

Trong phần chất vấn của mình, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cho rằng, trong chiến lược dài hạn và chương trình nợ công trung hạn, thì nợ công đang ở mức an toàn, nhưng điều đáng lo là việc chậm giải ngân vốn đầu tư cả trong ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Dự án đầu tư dở dang, thiếu đồng bộ, kém hiệu quả, gây lãng phí vẫn chậm được khắc phục và kết cấu hạ tầng kết nối tại các địa phương như Đồng Nai tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã quá tải, nhưng gặp khó về cân đối nguồn lực.

Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) tham gia chất vấn tại kỳ họp
Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) tham gia chất vấn tại kỳ họp

Từ tình hình trên, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao chưa cùng với Bộ Kế hoạch và đầu tư bố trí nguồn lực đầu tư công cho phát triển theo vùng kinh tế, thay vì vùng hành chính địa phương như hiện nay.

Đại biểu Trương Văn Vở tiếp tục chất vấn việc chưa xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho dự án đầu tư công, cũng như tiết kiệm chi tiêu ngân sách trong tình huống bất ổn, đặc biệt là trong tình hình biển Đông hiện nay. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết giải pháp, lộ trình thực hiện việc kiểm soát chi tiêu ngân sách có hiệu quả.

[links(left)]Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, để đánh giá hiệu quả công trình đầu tư công, trước hết phải đánh giá được hiệu quả dự án đầu tư công. Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, chúng ta không có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư công nói chung, thay vào đó chỉ có việc đánh giá hiệu quả từng dự án công trình. Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ KHĐT rà soát nhằm có những giải pháp hữu hiệu xây dựng và tổ chức đánh giá hiệu quả dự án công trình đầu tư công.

Trong tình hình kinh tế đang khó khăn như hiện nay, việc kiên quyết tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước đầu tư kém hiệu quả là điều vô cùng cần thiết. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo rất kiên quyết và lộ trình cụ thể đến 2015 về cổ phần hóa cũng như thoái vốn ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước.

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, Bộ Tài chính còn chậm tham mưu cho Chính phủ những chế tài cần thiết để xử lý trách nhiệm cá nhân ở từng doanh nghiệp, từng cơ quan quản lý nhà nước còn do dự trong tổ chức thực hiện và đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình rằng, Bộ đã tham mưu Chính phủ cơ bản hoàn thành hệ thống văn bản pháp lý quy định rõ lộ trình, biện pháp, chính sách cũng như giải pháp để đẩy mạnh việc cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các bộ ngành, UBND các tỉnh, người đứng đầu tập đoàn, công ty nhà nước phải có trách nhiệm chỉ đạo và phối hợp thực hiện. Hiện nay, Bộ Tài chính có tổ chức họp giao ban với các Bộ như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... định kỳ mỗi 6 tháng để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình cổ phần hóa. Do đó, tốc độ cổ phần hóa của các doanh nghiệp thuộc những Bộ, ngành này tương đối nhanh và đạt yêu cầu đề ra. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục gắn kết với các Bộ, ngành khác và chỉ đạo các địa phương, các tập đoàn, công ty nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục vào sáng ngày 11-6.

Đức Nhuận (Từ Hà Nội)

Tin xem nhiều