(ĐN)- Sáng 17-6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi).
(ĐN)- Sáng 17-6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi)
* Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua, với 86,75% tổng số phiếu.
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng |
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giao thông đường thủy nội địa có một số điểm mới như điều chỉnh cả hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và trên vùng nước chưa được tổ chức, quản lý khai thác giao thông vận tải, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và nâng cao trách nhiệm quản lý phương tiện của các cấp. Luật quy định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn UBND các cấp tổ chức đăng ký phương tiện thủy nội địa. Đối với Bằng thuyền trưởng, Bằng máy trưởng đãbưu điện cấp sẽ tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực: 1-1-2015.
Sáng cùng ngày, các đại biểu Quốc hội bước sang nội dung thảo luận tại hội trường về Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi)
* Cụ thế hóa ngành, nghề cấm kinh doanh
Khi thảo luận về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu đề nghị nên cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp về quyền: mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Hiện nay, trong một số luật đã có quy định về lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất và minh bạch, theo các đại biểu, cần tập hợp để quy định thành những danh mục cụ thể kèm theo dự án Luật này trên cơ sở xem xét tính hợp lý và khả thi; đồng thời, quy định rõ hơn trong dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) trên nguyên tắc xác định các ngành, nghề cấm kinh doanh.
Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) thì chỉ nên khoanh vùng cấm đối với những ngành nghề kinh doanh thực sự cần thiết phải cấm và những ngành nghề này phải được Quốc hội xem xét quy định ngay trong Luật doanh nghiệp, có như vậy mới hạn chế được tình trạng cấm đoán một cách tùy tiện. Hiện nay chúng ta đang có 3 danh mục khác nhau, đó là danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật doanh nghiệp, danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, lĩnh vực địa bàn khuyến khích đầu tư theo Luật đầu tư và danh mục hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện theo Luật Thương mại. Do đó, cần hợp nhất 3 danh mục này thành một để đảm bảo tính thống nhất và giảm bớt phiền hà cho các doanh nghiệp.
* Băn khoăn về doanh nghiệp xã hội
Theo Cơ quan thẩm tra Dự án luật Doanh nghiệp (sửa đổi), cần thiết quy định về doanh nghiệp xã hội vì cho rằng, đây là sự thừa nhận sự tồn tại thực tế của doanh nghiệp xã hội ở nước ta hiện nay. Quy định này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận đầu tư vào các lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần cùng các nguồn lực của Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề xã hội và môi trường.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) thảo luận tại hội trường |
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hiện nay đã có doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu kinh doanh, có những doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu công ích, lại có thêm doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu xã hội, như vậy liệu có tồn tại quá nhiều hình thái doanh nghiệp khác nhau hay không? Điều này có thực sự cần thiết không và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thiết lập một môi trường quản lý bình đẳng cho các doanh nghiệp?
Có cùng băn khoăn về quy định loại hình doanh nghiệp xã hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) đề nghị làm rõ được mô hình, cấu trúc cũng như loại hình của doanh nghiệp xã hội sao cho phù hợp với quá trình vận động phát triển kinh tế - xã hội hiện nay bao gồm cả là rõ khái niệm thế nào là doanh nghiệp xã hội.
Theo đại biểu Phùng Đức Tiến, thì dự thảo luật chưa quy định rõ các doanh nghiệp xã hội có hoạt động vì mục đích sinh lợi hay không vì mục đích sinh lợi. Nếu doanh nghiệp xã hội hoạt động vì mục đích sinh lợi thì chúng có gì khác với các doanh nghiệp bình thường? Liệu có cần phải tạo cho chúng một địa vị pháp lý khác biệt hay không? Còn nếu các doanh nghiệp xã hội hoạt động không vì mục đích sinh lợi thì có trái với bản chất doanh nghiệp được quy định tại Khoản 1, Điều 2 và Điều 3 Luật doanh nghiệp hay không?
Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại doanh nghiệp và giải thể doanh nghiệp xã hội và có quy định thêm trong luật hoặc Nghị định của Chính phủ, nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều doanh nghiệp lách luật, khoác áo doanh nghiệp xã hội để hưởng ưu đãi.
* Tăng cường hậu kiểm sau đăng ký kinh doanh
[links(left)]Hiện nay có doanh nghiệp lợi dụng việc thành lập để mua bán hóa đơn, thậm chí có doanh nghiệp hoạt động lừa đảo, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế, yếu kém trong khâu kiểm soát sau khi thành lập doanh nghiệp. Để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, cần có quy định cụ thể trong dự án Luật một cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về đăng ký thành lập doanh nghiệp; bổ sung quy định chặt chẽ về hậu kiểm đối với doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng, sự chồng chéo và thiếu sự hậu kiểm, theo dõi trong việc đăng ký hoạt động cũng như trong việc triển khai thực hiện là sự tồn tại lớn nhất trong hoạt động quản lý doanh nghiệp. Hiện nay trong điều hành, nhà nước chỉ theo dõi việc đăng ký doanh nghiệp, còn quá trình hoạt động của doanh nghiệp chưa được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Do vậy, đại biểu Tuyết đề nghị, cần giải quyết triệt để hơn trật tự cạnh tranh thông qua hoạt động giám sát có hiệu quả và quy định cách thức quản lí của nhà nước, nhằm đảm bảo quản lí nhà nước thật hiệu quả và kích thích nền kinh tế phát triển.
Nhấn mạnh đến công tác hậu kiểm trong quản lý hoạt động doanh nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, luật cần có những điều khoản quy định khâu hậu kiểm, tăng cường khâu kiểm tra tính xác thực của hồ sơ đăng ký, địa chỉ đăng ký kinh doanh, tính chất thể nhân của người đăng ký thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, hậu kiểm không chỉ có mục tiêu là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, kiểm soát tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp mà còn phân tích, đánh giá để điều chỉnh chính sách, điều chỉnh luật pháp và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, duy trì sản xuất, kinh doanh và phát triển vững mạnh.
Đức Nhuận (Từ Hà Nội)