Sáng ngày 4-6, trong chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội XIII, các đại biểu tiếp tục nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và nghe đại diện Ủy ban kinh tế- ngân sách Quốc hội báo cáo thẩm tra về dự án luật này.
* Xây dựng mô hình, cơ chế phù hợp về công tác đảm bảo an ninh hàng không
Sáng ngày 4-6, trong chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội XIII, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Tờ trình dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật đầu tư (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật đầu tư (sửa đổi) |
Yêu cầu đặt ra đối với Luật đầu tư (sửa đổi) lần này là tạo môi trường pháp lý, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Để làm được điều đó, dự án Luật cần có các quy định mới không thấp hơn quy định về đầu tư so với các nước trong khu vực thì mới tạo ra sức hấp dẫn, thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.
* Nâng cao vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ngân sách Quốc hội, để bảo đảm nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đầu tư, cần hoàn thiện phân cấp đầu tư; cơ chế phối hợp giữa trung ương với địa phương, giữa các cơ quan liên quan và quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, gắn với chế tài xử lý rõ ràng, đồng bộ, nhằm hạn chế đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch ngành, vùng và địa phương.
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có tiêu chí thống nhất về mức tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân để xác định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời ở nước ta có một số lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài hạn chế gia nhập thị trường như: phân phối xăng dầu, thuốc chữa bệnh, bất động sản....
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế và ngân sách đề nghị cân nhắc tiêu chí tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ trở lên để xác định nhà đầu tư nước ngoài, tránh trường hợp nhà đầu tư khai thác kẽ hở pháp luật, góp vốn vào những lĩnh vực hạn chế gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (khi nhà đầu tư nước ngoài góp 50% vốn vào doanh nghiệp Việt Nam là có thể tham gia vào một số lĩnh vực hạn chế nhà đầu tư nước ngoài)
Ngoài ra, Luật cũng cần quy định những loại dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ để tạo tính minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, với các ngành, lĩnh vực đặc thù như: dầu khí, viễn thông, năng lượng nguyên tử, truyền tải điện..., chỉ nên quy định thuộc quyền quản lý thống nhất ở cấp trung ương để bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và hạn chế đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng.
* Cần có chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý
Trên cơ sở đồng bộ, thống nhất với quy định chi tiết về ưu đãi đầu tư trong các luật chuyên ngành về ưu đãi đầu tư, Ủy ban Kinh tế và ngân sách đề nghị rà soát và trên cơ sở tổng kết, đánh giá các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành, đề xuất các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư mới, toàn diện hơn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích quốc gia trong từng thời kỳ.
Cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết để tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa tự do hóa các giao dịch vốn và nước ta đang rất cần vốn để phát triển kinh tế, thì chưa nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Ủy ban Kinh tế và ngân sách đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư để đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả của việc quản lý nhà nước về đầu tư với những dự án đầu tư ra nước ngoài.
Các đại biểu thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam |
* Xây dựng mô hình, cơ chế phù hợp về công tác đảm bảo an ninh hàng không
Tại phiên thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam diễn ra vào buổi sáng cùng ngày, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc dự án Luật quy định cơ quan chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông - vận tải là nhà chức trách hàng không, bởi nếu quy định như vậy là không đúng với quy định của Nghị định 36 (năm 2012) của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Mặt khác, quy định như thế cũng không thống nhất với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Luật thanh tra; Luật an ninh quốc gia và Luật phòng, chống khủng bố. Đại biểu đề nghị Dự thảo luật cần quy định theo hướng thống nhất với hệ thống luật đã có từ trước.
Các đại biểu cho rằng, cần thiết xây dựng mô hình, cơ chế phù hợp về công tác đảm bảo an ninh hàng không theo hướng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia của Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông - vận tải, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có thẩm quyền khác để chủ động phòng ngừa, không để xảy ra các đe dọa về an ninh hàng không, phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi lợi dụng hàng không dân dụng để chống phá, xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, đối với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, nên giao cho doanh nghiệp cảng hàng không hay doanh nghiệp an ninh độc lập thực hiện nhiệm vụ này nhằm huy động các nguồn lực trong việc đầu tư trang thiết bị hiện đại cho việc kiểm tra, kiểm soát.
Theo đại biểu Lê Việt Trường (đoàn An Giang), việc mở, đóng sân bay chuyên dụng và dân dụng phải ưu tiên công tác an ninh quốc phòng, đảm bảo an toàn bí mật quốc gia. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng lần này nên giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì xem xét chấp thuận độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không, có sự phối hợp của Bộ Giao thông vận tải là phương án hợp lý nhất.
Cũng đồng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Bá Tỵ (đoàn Điện Biên) cho rằng, cần quy định Bộ Quốc phòng có thẩm quyền lập, mở, đóng, hủy bỏ sân bay chuyên dùng. Khi các đơn vị quản lý khai thác hàng không có nhu cầu khai thác sân bay chuyên dùng cho các hoạt động hàng không ở địa điểm nào phải trao đổi và có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng.
Nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định về thẩm quyền của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không như thẩm quyền trong việc lục soát người, phương tiện, tạm đình chỉ bay, để bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật hình sự, pháp luật về phòng chống khủng bố, pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháp luật về tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Đức Nhuận (Từ Hà Nội)