Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 20/6, Quốc hội đã làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 20/6, Quốc hội đã làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp Luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật công chứng (sửa đổi). |
Với 90,16% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Luật Công chứng sửa đổi sau khi được chỉnh lý gồm 10 chương, 81 Điều, quy định rõ về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Luật Công chứng sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015.
Việc ban hành Luật Công chứng sửa đổi góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, qua đó nâng cao chất lượng cũng như tính bền vững của hoạt động công chứng và từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Một trong những điểm mới và một số điều, khoản Luật Công chứng được sửa đổi, bổ sung là phạm vi điều chỉnh; công chứng viên; nguyên tắc hành nghề công chứng; những người được miễn đào tạo nghề công chứng; văn phòng công chứng; nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng... Trong đó, công chứng viên là những người được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện một loại dịch vụ công đặc biệt, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch, giấy tờ, đòi hỏi tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Do đó, ngoài các yêu cầu về chuyên môn, trong tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên còn cần có sự ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước, với chế độ.
Luật Công chứng sửa đổi đã quy định rõ chức năng xã hội của công chứng viên là công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.
Về nguyên tắc hành nghề công chứng, Luật nêu rõ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, khách quan, trung thực, tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng.
Những người được miễn đào tạo nghề công chứng gồm người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên; luật sư đã hành nghề từ 5 năm trở lên; giáo sư, phó Giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
Người được miễn đào tạo nghề công chứng quy định tại khoản 1 Điều này phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.
Thời gian bồi dưỡng nghề công chứng là ba tháng. Người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể về khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều này.
Đối với tiêu chuẩn công chứng viên, cơ bản Luật sửa đổi kế thừa Luật Công chứng năm 2006 về các tiêu chuẩn công chứng viên vì các quy định này đã thể hiện được những yêu cầu khá cao của Nhà nước đối với những người muốn được xem xét, bổ nhiệm làm công chứng viên.
Tuy nhiên, dự thảo Luật đã thể hiện lại các tiêu chuẩn để đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác của quy định pháp luật đối với vấn đề này. Như vậy, Tiêu chuẩn công chứng viên là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên có bằng cử nhân luật; có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật; tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này; đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi./.
(TTXVN/VIETNAM+)