Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm rõ địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội

04:06, 03/06/2014

(ĐN)- Sáng 3-6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến các nội dung liên quan đến việc cụ thể hóa Hiến pháp...

(ĐN)- Sáng 3-6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung cho ý kiến các nội dung liên quan đến việc cụ thể hóa Hiến pháp, về địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH, về số lượng đại biểu Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội…

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại buổi thảo luận
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại buổi thảo luận

Theo các đại biểu, mục tiêu, yêu cầu của việc soạn thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, nhưng Dự án luật phải giải quyết được các vấn đề khó khăn thực tiễn trong hoạt động của Quốc hội, nhằm đảm bảo được tính khả thi toàn diện của dự án luật.

Các đại biểu cho rằng, Hiến pháp không quy định thành lập Tòa án Hiến pháp, thay vào đó Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sẽ thực hiện chức năng bảo hiến, nhưng trong Dự thảo luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) lại không đề cập đến, do đó đề nghị quan tâm quy định trong dự thảo luật cho đầy đủ và thống nhất với Hiến pháp.

Các đại biểu cũng đề nghị quan tâm đến cách đặt vấn đề Hội đồng bầu cử trong luật để tạo cơ sở quy định rõ hơn về Hội đồng bầu cử thời gian về sau. Trong dự án luật, cần quy định cơ quan giám sát của Quốc hội đối với việc đưa lực lượng vũ trang đi làm công tác ngoài quốc gia.

Tại Điều 7, đại biểu đề nghị, bên cạnh việc quy định các luật thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước sẽ được Quốc hội xem xét, ban hành, thì các luật thuộc về thể chế chính trị cũng phải được quan tâm, bổ sung toàn diện vào dự thảo luật.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) tán thành với quy định tỷ lệ ĐBQH chuyên trách tối thiểu là 40% so với tổng số ĐBQH và đề nghị trong dự án luật cần quan tâm, đề cập đến tỷ lệ ĐBQH là đảng viên và ĐBQH không phải đảng viên; tỷ lệ ĐBQH thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội công tác trong lĩnh vực văn hóa, nhằm tạo điều kiện để ĐBQH thực hiện chức trách là người đại diện cho tiếng nói của mọi thành phần nhân dân trong xã hội.

Còn đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) thì cho rằng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần phải có Nghị quyết hướng dẫn hoạt động của Đoàn ĐBQH để  làm rõ vai trò, vị trí và địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH theo hướng xác định rõ quan hệ giữa Đoàn ĐQQH với các cơ quan của Quốc hội và với các cơ quan tại địa phương. Trong dự án luật cần quy định rõ tiêu chuẩn của ĐBQH chuyên trách ở địa phương để xác định vị trí gắn với trách nhiệm của ĐBQH hoạt động chuyên trách, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các Đoàn ĐBQH.

Các đại biểu cũng đề nghị, quan tâm đến điều kiện hoạt động của ĐBQH không chuyên trách tại trung ương; làm rõ cơ chế phối hợp giữa ĐBQH và các Đoàn ĐBQH trên cả nước, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp, xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân.

Đức Nhuận

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích