Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàn thiện bộ máy và nguồn nhân lực của Viện Kiểm sát nhân dân

05:06, 05/06/2014

(ĐN)- Sáng 5-6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) với yêu cầu là phải tổ chức bộ máy và thành phần cán bộ một cách khoa học, gọn nhẹ, hiệu quả;

(ĐN)- Sáng 5-6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Yêu cầu đặt ra đối với Luật sửa đổi lần này là phải tổ chức cơ cấu bộ máy và thành phần cán bộ của Viện Kiểm sát (VKS) một cách khoa học, gọn nhẹ, hiệu quả; kết hợp hài hòa giữa tính độc lập tuân theo pháp luật của mỗi cấp VKS, của mỗi kiểm sát viên; bảo đảm phù hợp với đặc điểm cụ thể của Việt Nam, đủ điều kiện và năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận

* Hoàn thiện bộ máy và nhân lực

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tán thành với quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổng biên chế, số lượng từng ngạch Kiểm sát viên (sơ cấp, trung cấp, cao cấp và Kiểm sát viên VKS Nhân dân tối cao, Điều tra viên của VKS Nhân dân); Viện trưởng VKS nhân dân tối cao (VKSNDTC) quyết định cụ thể biên chế; số lượng và cơ cấu Kiểm sát viên, Điều tra viên của các đơn vị trực thuộc VKSNDTC và các VKSND cấp dưới.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Do đó, không nên quy định Kiểm sát viên thực hiện các nhiệm vụ khác ngoài hai nhiệm vụ nói trên.

Về lứa tuổi của Kiểm sát viên, có đại biểu cho rằng, chế định cơ bản thuộc dự án luật nào thì để luật đó điều chỉnh, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đại biểu đề nghị từ nay trở đi, Quốc hội cũng không nên bàn đến các lứa tuổi nằm trong các dự án luật khác, mà chỉ tuân thủ theo sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động.

Đối với việc tổ chức VKSND khu vực, nhiều đại biểu cho rằng, đây là mô hình cần thiết, bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, tăng cường tính độc lập của VKSND trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tránh dàn trải, bình quân, lãng phí.

Đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai) đồng ý với mô hình tổ chức hệ thống VKSND gồm 4 cấp: VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện. Vì việc tổ chức VKSND cấp huyện phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, tạo mối quan hệ chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu kịp thời của cơ quan điều tra cấp huyện trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.     

Cũng trong phần phát biểu của mình, đại biểu Hồ Văn Năm cho rằng, trong dự thảo Luật tổ chức VKSND đã quy định rõ VKSND không phải là cơ quan duy nhất để giải quyết các tin báo trực tiếp, giải quyết các tin báo tố giác về tội phạm mà còn nhiều cơ quan khác. Do đó, vấn đề này cần phải được quy định rõ trong Luật tố tụng hình sự.

* Phát huy vai trò tích cực của Ủy ban kiểm sát

Để tiếp tục kế thừa và phát huy vai trò tích cực hơn 10 năm qua của Ủy ban kiểm sát trong thực tiễn thi hành Luật Tổ chức VKSND, các đại biểu đề nghị quy định trong dự thảo luật về Ủy ban kiểm sát. Theo đó, Ủy ban kiểm sát quyết định những vấn đề quan trọng về chiến lược phát triển ngành; phương hướng, nhiệm vụ... Riêng đối với việc giải quyết các vụ án phức tạp thì Viện trưởng VKS đề nghị Ủy ban kiểm sát xem xét, cho ý kiến và Viện trưởng VKS quyết định, chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ) thì đề nghị bổ sung thẩm quyền của Ủy ban kiểm sát, đó là quyền giám sát hoạt động tư pháp đối với các đơn vị trực thuộc và các kiểm sát viên ở mỗi cấp để Ủy ban kiểm sát thực sự là một thiết chế có đủ quyền lực thực hiện chức năng kiểm sát trong tất cả các hoạt động tư pháp, trong đó đặc biệt là hoạt động tư pháp nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân.

Đức Nhuận (Từ Hà Nội)

 

Tin xem nhiều