(ĐN)- Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 11-6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời ý kiến của các đại biểu về tình hình triển khai và thực thi các văn bản pháp luật...
Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 11-6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời ý kiến của các đại biểu về tình hình triển khai thi hành Hiến pháp; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như thẩm định việc ban hành văn bản pháp luật của một số cơ quan khác.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội |
Tại buổi chất vấn các đại biểu cũng bày tỏ những nhiều ý kiến về các tồn tại, bất cập trong việc ban hành các loại văn bản, thi hành án dân sự…
* Văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, phức tạp
Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP.Đà Nẵng) đặt vấn đề, gần đây dư luận và các cơ quan báo chí đã nêu hiện tượng có lợi ích nhóm, lợi ích riêng của từng bộ, ngành trong vấn đề ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các văn bản này đã xây dựng trên cơ sở có lợi cho các cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về phía người dân. Trên cơ sở đó, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng cho biết, quan điểm và hướng khắc phục tình trạng này. Ngoài ra, đại biểu cũng nêu tình trạng các cơ quan tư pháp vừa soạn thảo văn bản vừa xử lý chính sách, đã và đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Tình trạng này dẫn đến một số chính sách không được làm rõ trong luật dẫn đến kết quả không được như mong muốn.
[links(left)]Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ thẩm định việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tất cả các quy trình thẩm định văn bản này được làm rất chặt chẽ từ thẩm định đến lấy ý kiến và tổ chức đăng tải trên cổng thông tin điện tử trong vòng 60 ngày. Không những thế, các văn bản quy phạm pháp luật đều thể hiện được đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng. Theo Bộ trường Hà Hùng Cường, với quy trình chặt chẽ như vậy, “câu chuyện lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ chưa có vấn đề đặt ra”.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.Hồ Chí Minh) nêu, hiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo. Việc ngành nào được làm văn bản luật trong ngành đó nên đã dẫn đến tình trạng văn bản luật mang tính cục bộ. Và như vậy, các cơ quan này thường làm nhẹ trách nhiệm của mình trong chính sách, quản lý. Trong trường hợp này, có tình trạng nể nang của Bộ Tư pháp trong việc rà soát lại các văn bản trên hay không? - Đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trường Hà Hùng Cường cho rằng, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều chồng chéo. Nhiều trường hợp luật mẹ chưa có đã đẻ luật con. Bộ Trưởng thừa nhận, chẳng có quốc gia nào hệ thống pháp luật lại phức tạp như ở nước ta.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì có rất nhiều chủ thể được ban hành, thậm chí cấp chủ tịch xã cũng là một chủ thể có thể ban hành nhiều loại văn bản khác nhau. Việc có quá nhiều văn bản pháp luật và nhiều chủ thể khác nhau được quyền ban hành, dẫn đến khó tuân thủ.
* Thủ tục thi hành án còn rườm rà, nhiêu khê
Tại buổi chất vấn, đại biểu Trần Du Lịch cũng đã nêu vấn đề thủ tục thi hành án dân sự ở Việt Nam còn phức tạp, nhiêu khê, đặc việt là việc phát mãi tài sản để thu hồi nợ của các ngân hàng phải mất rất nhiều thời gian. Theo đại biểu, rào cản trong các vấn đề này là thủ tục của các văn bản quy phạm pháp luật, vậy Bộ Tư pháp có giải pháp gì?
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận có thực trạng đó. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, quá trình phát mãi tài sản để thi hành án, đặc biệt là tài sản bất động sản, thường liên quan đến vấn đề giá cả có sự biến động theo thị trường. Trong khi đó, tài sản được thi hành án có thể là của cá nhân, hoặc cơ quan tổ chức, nên chủ sở hữu tài sản có quyền yêu cầu định giá nhiều lần, dẫn đến cơ quan thi hành án gặp khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, Bộ vừa thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi thi hành án dân sự. Trong đó, quy định chủ sở hữu chỉ được khiếu nại về định giá một lần.
Cũng đặt vấn đề về việc thi hành án dân sự, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) nêu trong năm 2013 thi hành án dân sự chưa đạt chỉ tiêu; vụ việc tồn đọng nhiều (hơn 239 ngàn vụ, 141 ngàn tỷ đồng chưa được thi hành); việc chấp hành kỷ cương kỷ luật chưa nghiêm…, Bộ Tư pháp có giải pháp gì để khắc phục?
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc án tồn đọng kéo dài đã từ nhiều năm nay, dẫn đến việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn và tạo áp lực rất lớn cho cán bộ. Đối với việc xử lý cán bộ vi phạm, Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian qua, số cán bộ vi phạm bị xử lý đã tăng. Điều đó cho thấy quyết tâm của Bộ Tư pháp trong việc làm trong sạch bộ máy.
Sáng 12-6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Trần Danh