Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Bùi Văn Xuyền phát biểu ý kiến. |
Thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng Dự án luật sửa đổi nên theo hướng bãi bỏ quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo khoản 2 điều 13 của Luật Quốc tịch năm 2008 bởi quy định về giữ đăng ký quốc tịch Việt Nam là chưa phù hợp với Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại đối với người Việt Nam ở nước ngoài và quy định: "người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời là là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam" của Hiến pháp.
Bên cạnh đó, quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho kiều bào, trong một số trường hợp sẽ tạo ra rào cản cho việc không ổn định làm ăn sinh sống của kiều bào nhất là đối với những người đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng nước sở tại đó lại áp dụng nguyên tắc "một quốc tịch," như vậy công dân của ta không thể đến đăng ký giữ quốc tịch tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bởi họ phải giữ quốc tịch nước đang sinh sống...
Đại biểu kiến nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu phục hồi quy định cấp giấy xác nhận cho những người không có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam khi họ có yêu cầu. Những người có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam không cần phải đăng ký để giữ quốc tịch.
Đó cũng là ý kiến chung của các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế). Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế) phân tích: Theo báo cáo của Bộ Chính phủ, sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008) mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
Tình trạng này do nhiều lý do: nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng việc còn quốc tịch Việt Nam là điều đương nhiên, không ai có thể bị tước mất quốc tịch, trái với Hiến pháp; nhiều người đã có quốc tịch sở tại nên không có nhu cầu cấp thiết đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam; không biết có quy định về đăng ký giữ quốc tịch trong vòng 5 năm theo luật Quốc tịch năm 2008...
Đại biểu nêu rõ cần xác định rõ yêu cầu của bà con đi đăng ký giữ quốc tịch làm gì trong khi có quốc tịch là quyền của con người, vì vậy cần bỏ hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
Các đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế) cũng kiến nghị: Quốc hội cho phép quy định thời điểm có hiệu lực của Luật kể từ ngày công bố, nhằm bảo đảm cho việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện cơ bản là liên tục, không bị ngắt quãng, tránh trường hợp đến ngày 1/7/2014 sẽ có hàng triệu đồng bào sẽ bị mất quốc tịch theo tinh thần của Luật Quốc tịch năm 2008 và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng trong buổi làm việc chiều 17/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về việc việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.
Theo Tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town), Công ước và Nghị định thư Cape Town được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển; tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không.
Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ quốc gia sản xuất tàu bay, các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam và sự phát triển kinh tế.
Các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với việc gia nhập Công ước gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town bởi việc gia nhập Công ước và Nghị định thư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn, cho thuê trang thiết bị tàu bay, qua đó, mang lại lợi ích cho các hãng hàng không của Việt Nam; tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của thị trường vận tải hàng không Việt Nam; có lợi cho người tiêu dùng; giảm chi phí kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống pháp luật Việt Nam tiếp cận hệ thống pháp luật kinh doanh thương mại quốc tế.../.
(TTXVN/VIETNAM+)