Báo Đồng Nai điện tử
En

Cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư

04:06, 13/06/2014

(ĐN)- Sáng 13-6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tiếp tục tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.

(ĐN)- Sáng 13-6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tiến hành thảo luận tại tổ về  dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.

đại biểu Trương Văn Vở
Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai)

Tham gia phát biểu về dự án Luật đầu tư (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật lần này phải tạo được đột phá trong công tác quản lý nhà nước về thủ tục và chế tài hoạt động đầu tư; phải điều chỉnh quyền công dân theo quy định hiến pháp, tạo sức bật và thu hút đầu tư vào những ngành nghề cần phát triển và điều quan trọng là phải đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

* Quản lý chặt đầu tư có yếu tố nước ngoài

Xung quanh vấn đề đầu tư có yếu tố nước ngoài, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị, trong dự thảo luật phải thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước của Chính phủ, có như thế thì việc kiểm soát hoạt động đầu tư mới hiệu quả và đưa nền kinh tế phát triển theo đúng định hướng mà Đảng và nhà nước đã đề ra.

Về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, các đại biểu băn khoăn về con số 51% mà dự án luật đưa ra để làm mốc xác định nhà đầu tư nước ngoài. Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ) đề nghị, chúng ta phải xem xét và quy định chặt chẽ, tránh tình trạng nhà đầu tư nước ngoài góp vốn dưới 51% nhưng đạt tỉ lệ cao nhất trong các cổ động thì họ sẽ có thẩm quyền cao nhất trong hoạt động kinh doanh, từ đó hoạt động kinh doanh sẽ bị chi phối bởi yếu tố nước ngoài mặc dù trên danh nghĩa vẫn là doanh nghiệp trong nước.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai)

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) cho rằng, Dự án luật chỉ mới quy định về thủ tục đối với việc đầu tư trong nước ra nước ngoài của nhà đầu tư. Đại biểu Hằng đề nghị, cần bổ sung quy định việc thẩm định năng lực nhà đầu tư để đảm bảo việc đầu tư mang lại hiệu quả và tránh thất thoát vốn.

Theo các đại biểu, thì trong dự án Luật đầu tư (sửa đổi) chưa quy định những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, để tránh thất thoát ngân sách từ việc thu thuế các doanh nghiệp nước ngoài, ban soạn thảo dự án cần có những quy định chặt chẽ nhằm hạn chế gian lận thương mại, trong đó có tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

* Cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư

Về ưu đãi đầu tư, cùng quan điểm với nhiều đại biểu khác, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng cần thiết bổ sung lĩnh vực ưu đãi đầu tư đối với sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu và dịch vụ liên quan đến bảo vệ môi trường, dịch vụ công ích...

[links(left)]Theo các đại biểu, dự thảo luật cần bổ sung quy định ưu đãi tiền giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp, vì tiền giải phóng mặt bằng thực sự là một gánh nặng trên vai của doanh nghiệp và là trở ngại chính cho sự phát triển, mở rộng hoạt động của nhà đầu tư. Vấn đề ưu đãi đào tạo nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng được nhiều đại biểu quan tâm và đề nghị bổ sung vào luật.

Trong ý kiến phát biểu của mình, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng, chính sách về ưu đãi cho nhà đầu tư chúng ta đã có, việc cần làm ngay bây giờ là phải cụ thể hóa được những chính sách đó và thể chế rõ nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả việc ưu đãi, hỗ trợ cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bổ trợ và ứng dụng kỹ thuật cao.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng rất đồng tình với quy định hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo như dự thảo luật, tuy nhiên đại biểu cho rằng, cần xác định tiêu chí thế nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng đồng bộ với các tiêu chí đã xác định trong các luật khác.

Ngoài ra, từ tình hình thực tế những vụ biểu tình, đập phá, gây thiệt hại cho doanh nghiệp tại một số địa phương thời gian vừa qua, đại biểu đề nghị cần thiết bổ sung quyền của nhà đầu tư đối với quyền được bồi thường và quyền khởi kiện tại các cơ quan tài phán trong và ngoài nước để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư.

* Tăng tính chủ động cơ quan thi hành án dân sự

Đại biểu Hồ Văn Năm
Đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai)

Cũng trong sáng 13-6, Quốc hội cũng tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.

Đại biểu Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai) cho rằng, dự án luật cần sửa đổi theo hướng tăng tính chủ động của cơ quan thi hành án trong việc ra quyết định thi hành án và chủ động xác minh năng lực thi hành án của đối tượng thi hành án. Không thể quy định việc chỉ thi hành án khi nào có đơn yêu cầu thi hành án của người dân, vì theo đại biểu Hồ Văn Năm, việc nắm rõ quy trình, thủ tục để gửi đơn đề nghị thi hành án là không khả thi. Mặt khác, việc chủ động ra quyết định thi hành án đối của cơ quan thi hành án còn thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tạo lòng tin nơi nhân dân.

Điểm mới trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự là người đề nghị thi hành án có quyền độc lập xác minh năng lực thi hành án của đối tượng phải thi hành án. Nhiều đại biểu tán thành với quy định trên, vì cho rằng như thế có thể tăng tính chính xác, minh bạch trong công tác xác minh năng lực thi hành án của cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, cần có quy định biện pháp xử lý trong trường hợp có sự khác biệt giữa kết luận về năng lực thi hành án của cơ quan thi hành án và người yêu cầu thi hành án.

Đức Nhuận (Từ Hà Nội)

Tin xem nhiều