Khoảng 80 khách mời là đại diện các cơ quan ngoại giao, giới học giả và sinh viên Áo, cùng đông đảo phóng viên, truyền hình tới đưa tin Hội thảo về Biển Đông được tổ chức tại Học viện Ngoại giao Áo ngày 13/6.
Tàu Trung Quốc vây ép, chặn đầu, khóa đuôi tàu Cảnh sát biển Việt Nam. (Nguồn: canhsatbien.vn) |
Hội thảo này do Hội hữu nghị Áo-Việt phối hợp cùng tiến sỹ Afred Gerstl, chuyên gia tại Viện khoa học Đông Á, trường Đại học Vienna (Áo), tổ chức.
Tại hội thảo, tiến sỹ Gerstl đã trình bày tham luận dài khoảng 45 phút, trước khi các đại biểu tham dự tập trung thảo luận dựa trên các cơ sở khoa học, các thông tin khách quan, chuyên sâu và toàn diện về tình hình biển Đông, về các bên liên quan sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tham luận của tiến sỹ Gerstl tập trung phân tích sâu về vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 khi đối chiếu với Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS); động thái, ý đồ của các bên liên quan trực tiếp ở biển Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và các bên gián tiếp gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga; về vai trò của ASEAN trong việc giải quyết căng thẳng trên biển Đông; cũng như những tác động tới khu vực một khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết...
Các đại tham dự Hội thảo. |
Tiến sỹ Gerstl nhấn mạnh Việt Nam tuyên bố chủ quyền của mình ngoài cơ sở pháp lý của UNCLOS, còn dựa trên căn cứ có từ thời vua Lê Thánh Tông 1460-1497, sau đó được Pháp khẳng định lại năm 1884.
Ông cũng đánh giá Việt Nam có cách hành xử khôn ngoan và kiềm chế trong vấn đề Biển Đông. Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tiến sỹ Gerstl cho biết trong thư viện quốc gia Áo có tài liệu cổ nói về vấn đề này.
Đề cập đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, tham luận chỉ rõ dựa vào UNCLOS 1982, tuyên bố chủ quyền theo đường 9 đoạn (của Trung Quốc) so với vùng đặc quyền kinh tế của nước này có sự chênh lệch rất lớn./.
(VIETNAM+)