(ĐN)- Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, tính đến giữa tháng 4-2014, tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã lên tới con số cao kỷ lục: hơn 400 tỷ đồng...
* Thành lập đoàn công tác liên ngành để quyết liệt thu hồi nợ
Việc nợ bảo hiểm xã hội đã gây ảnh hưởng không ít đến đời sống của người lao động |
(ĐN)- Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐTB-XH), tính đến giữa tháng 4-2014, tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã lên tới con số cao kỷ lục: hơn 400 tỷ đồng, tăng 280 tỷ đồng so với cuối năm 2013 và vượt ngưỡng cho phép của BHXH Việt Nam. Đây là số nợ của gần 700 doanh nghiệp, nợ từ 3 tháng trở lên, đặc biệt có 160 doanh nghiệp nợ từ 6 tháng trở lên với số tiền lên đến hơn 77 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ BHXH lên cao kỷ lục một phần là do tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, ảnh hưởng tới tình hình tài chính của doanh nghiệp. Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng phải kể đến tình trạng không ít doanh nghiệp cố tình chây ì, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động để quay vòng vốn sản xuất. Việc nợ và chiếm đoạt tiền BHXH đã khiến người lao động không an tâm làm việc, gây khó khăn trong việc giải quyết các chế độ cho người lao động…
Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định thành lập đoàn công tác liên ngành do Sở LĐTB-XH chủ trì với sự tham gia của các đơn vị liên quan, gồm: Sở Kế hoạch và đầu tư, Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh..., nhằm thực hiện các biện pháp quyết liệt để thu hồi nợ BHXH.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Lâm Duy Tín, đây không phải là lần đầu tiên UBND tỉnh thành lập đoàn thu hồi nợ bảo hiểm ở các doanh nghiệp, thậm chí nhiều lần các cơ quan chức năng của tỉnh đã phải phối hợp khởi kiện doanh nghiệp ra tòa vì chây ì nộp BHXH. Lần gần đây nhất là vào cuối năm 2013, đã có tới 12 doanh nghiệp bị kiện ra tòa vì nợ BHXH, trong đó có doanh nghiệp nợ BHXH lên tới 10 tỷ đồng...
Công Nghĩa