Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, chiều 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về việc các cơ quan của Quốc hội, ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp tiếp công dân...
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, chiều 23/4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về việc các cơ quan của Quốc hội, ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN) |
Vấn đề phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết là nội dung được nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.
Các ý kiến cho rằng nhiệm vụ của cơ quan dân cử là giám sát việc giải quyết đơn thư của cơ quan chính quyền.
Người dân gửi đơn đến, cơ quan dân cử có trách nhiệm chuyển đơn thư cho cơ quan có thẩm quyền và đôn đốc, giám sát việc giải quyết chứ không thể xử lý, trừ một số đơn hỏi mang tính chất hỏi và giải đáp pháp luật. Nếu không quy định giám sát, sẽ không có cơ sở khẳng định cơ quan hành chính Nhà nước làm đúng hay sai.
Cơ quan chính quyền tập trung vào việc giải quyết đơn thư, cơ quan dân cử tập trung trách nhiệm vào giám sát việc giải quyết của cơ quan chính quyền, như vậy sẽ đồng bộ hơn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.
Phó Trưởng Ban dân nguyện Bùi Nguyên Súy cho rằng mục đích của công tác tiếp công dân là phải giải quyết. Người dân tìm đến Quốc hội là những người đã được các cơ quan hành chính giải quyết hết thẩm quyền.
Trong khi đó, Luật giám sát đã nêu khi Quốc hội, đại biểu Quốc hội nhận được đơn khiếu nại tố cáo của công dân phải chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Như vậy, công dân không biết chuyển đơn đi đâu, ùn tắc. Nếu không giải quyết mối quan hệ này, công dân sẽ tìm đến các cơ quan của Quốc hội, nhà riêng của đại biểu Quốc hội với mục đích yêu cầu giám sát.
Ông Bùi Nguyên Súy đề nghị phải gắn công tác tiếp dân của Quốc hội với công tác giám sát, để có tiếng nói chung, tạo sự đồng thuận giữa cơ quan giải quyết và cơ quan giám sát, để khẳng định rằng việc giải quyết đó là đúng.
Theo quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, nội dung giám sát đã được quy định cụ thể trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội. Hơn nữa, hiện nay, các luật quy định về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước đang được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với quy định mới của Hiến pháp; trong đó tổ chức và hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang dự kiến có sự thay đổi.
Vì vậy, việc giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trước mắt thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành; trong trường hợp cần quy định chi tiết thì sau khi thông qua Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (sửa đổi) sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này hoặc ban hành văn bản mới để quy định.
Tuy nhiên, để bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ cho việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung vào khoản 1 Điều 2 quy định các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Ông Phan Trung Lý cho biết thêm, trong tháng Sáu tới sẽ phải thông qua Nghị quyết này bởi từ 1/7/2014 Luật tiếp công dân sẽ có hiệu lực, không thể mở rộng thêm các phạm vi khác, vấn đề giám sát sẽ không giải quyết trong văn bản này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định đưa nội dung giám sát vào thành một chương riêng sẽ dẫn đến bất cập do hiện nay chúng ta đang tổng kết Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, sẽ phải tiếp tục sửa đổi Nghị quyết.
Còn theo Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, không đưa nội dung giám sát vào dự thảo Nghị quyết không có nghĩa là không thực hiện giám sát, điều này đã được quy định trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.
Cho rằng trong những năm gần đây, công dân gửi đơn, thư đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, tạo ra tình trạng đơn, thư chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, vượt thẩm quyền… nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục, các ý kiến đề nghị có giải pháp giải quyết tình trạng trên.
Trên cơ sở kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung quy định nhằm hạn chế một bước tình trạng này, cải tiến việc chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị giữa các cơ quan của Quốc hội, ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh thủ tục hành chính rườm rà theo hướng trường hợp nhận đơn, thư trực tiếp từ người gửi và xét thấy cần thiết thì có thể chuyển đơn, thư đó đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo đến cơ quan phụ trách lĩnh vực và Ban dân nguyện (khoản 2 Điều 18); cơ quan của Quốc hội, ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đơn, thư đến cơ quan khác của Quốc hội, ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý bằng văn bản theo mẫu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định” (điểm b khoản 2 Điều 20). Tuy nhiên, chính những quy định tưởng như cải tiến này lại vấp phải sự bất đồng của một số ủy viên Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng quy định như vậy, chính chúng ta đang tạo thêm lòng vòng, làm khó cho mình, có khi ngay tầng 1 chuyển cho tầng 2 cũng mất đến vài tháng.
Phó Trưởng Ban dân nguyện Bùi Nguyên Súy cảnh báo không cẩn thận, chúng ta sẽ như chim đưa thư, chuyển đơn lòng vòng, tạo sức ép cho cơ quan dân cử, nhất là các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề cập đến việc quy định thêm hoạt động tiếp công dân của đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp với lo ngại ngày nào cũng phải tiếp công dân, ngày nào cũng phải thông báo trong khi đó sự việc này chưa giải quyết xong lại đến sự việc khác.
Tại phiên họp, nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp công dân của đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, của đại biểu Quốc hội, nơi tiếp công dân… đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến./.
(TTXVN/VIETNAM+)