(ĐN)- Sáng ngày 2-4, tại Trường mầm non Chim Họa Mi (KP. 11, phường An Bình), Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố (TP. Biên Hòa) đã tổ chức chương trình giao lưu "Hòa nhập với trẻ tự kỷ".
(ĐN)- Sáng 2-4, tại Trường mầm non Chim Họa Mi (KP. 11, phường An Bình, TP. Biên Hòa), Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố (TP. Biên Hòa) đã tổ chức chương trình giao lưu “Hòa nhập với trẻ tự kỷ”.
Các chuyên gia tâm lý, cộng tác viên hướng dẫn trẻ tự lỷ múa hát |
Hơn 30 trẻ từ 2 đến 10 tuổi là học viên của Trung tâm đã được múa, hát, trình diễn thời trang, vui chơi cùng với các trẻ mầm non của Trường mầm non Chim Họa Mi, với các tình nguyện viên và cha mẹ. Đây là hoạt động chào mừng Ngày thế giới nhận biết chứng tự kỷ, qua đó giúp cho cộng đồng hiểu rõ hơn về chứng tự kỷ, giúp trẻ hòa nhập tốt hơn với cộng đồng để có thể phát triển bình thường.
Điểm chung của các trẻ tự kỷ là khiếm khuyết về các chức năng giao tiếp, khả năng tương tác với xã hội thấp. Các em chậm hoặc thoái lui về ngôn ngữ, có những hành vi định hình tiêu cực trong cuộc sống như la hét, đập phá, đập đầu vào tường, ăn vạ, không thích ứng được với môi trường sống…
Thạc sĩ Lê Minh Công, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý- giáo dục Đồng Nai khuyến cáo: “Nếu cha mẹ phát hiện thấy trẻ có các biểu hiện bất thường, cần đưa ngay đến các trung tâm tư vấn tâm lý để các chuyên gia đánh giá mức độ rối loạn tự kỷ của trẻ để xây dựng các chiến lược can thiệp kịp thời với từng cá nhân nhằm phục hồi các chức năng và tâm lý xã hội của trẻ. Với những trường hợp nhẹ, có thể cho trẻ tiếp tục học hòa nhập với bạn bè. Với những trường hợp nặng sẽ có liệu pháp điều trị thích hợp nhằm giảm bớt thiệt thòi cho trẻ”.
Hạnh Dung