(ĐN)- Sáng 1-4, Quốc hội đã họp phiên trực tuyến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường, tiêu thụ nông sản; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện, xăng, dầu.
(ĐN)- Sáng 1-4, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điều hành phiên họp trực tuyến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường, tiêu thụ nông sản; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện, xăng, dầu. Tham dự chủ trì hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Văn Vở chất vấn trực tuyến Bộ Trưởng Bộ Công thương tại phiên họp trực tuyến |
Một trong những vấn đề nổi cộm được các đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là các giải pháp khắc phục bất cập trong thu mua, tiêu thụ nông sản. Theo đó, các đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc để tình trạng nông dân phải bán nông sản với giá rẻ, trong khi người tiêu dùng phải mua các sản phẩm từ nông sản với giá đắt; giải pháp khắc phục tình trạng tư thương ép giá; thương lái nước ngoài mua vét nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị Bộ Công thương có giải pháp khắc phục tình trạng xuất khẩu lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, làm thất thu ngân sách nhà nước; giải pháp chống gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả; việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu chưa hợp lý ...
Kết luận tại phiên chất vấn buổi sáng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tăng công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của thương nhân nước ngoài mua bán hàng hóa tại Việt Nam không tuân thủ các quy định pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, nhằm nâng cao cảnh giác, cũng như xử lý đối với những vi phạm mua bán có biểu hiện bất thường, nhất là đối với các loại nông, thủy sản của nông dân. Bên cạnh đ1o, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thông tin; ngăn chặn xử lý kịp thời các hoạt động buôn lậu, kinh doanh trái phép, gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi của nông dân; cần có giải pháp gắn kết sản xuất với tiêu thụ, tạo đầu ra sản phẩm ổn định cho nông dân và đổi mới phương thức kinh doanh nông sản phù hợp với mục đích phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Tại đầu cầu Đồng Nai, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Văn Vở cũng đã nêu chất vấn: Vì sao Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, nhằm khắc phục những bất cập trong điều hành giá xăng dầu, nhất là các vấn đề có liên quan như: đảm bảo tính công khai, minh bạch về phương thức điều chỉnh giá, về quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá, đến nay đã hơn 1 năm nhưng vẫn chưa được triển khai thực hiện?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, theo Dự thảo trình Chính phủ, chỉ chỉnh sửa một số điểm trong Nghị định 84. Trong quá trình xây dựng Dự thảo, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, phần lớn cho rằng, việc chỉnh sửa Dự thảo chưa đáp ứng được tình hình thực tế, cần thay thế bằng một Nghị định mới. Vì vậy, Bộ Công thương đã hoàn thành Dự thảo nghị định mới trình Chính phủ. Hiện, Dự thảo này đã được lấy ý kiến các bộ, ngành, nhưng còn có 2 ý kiến phân vân nên Bộ Công thương phải giải trình xong mới ban hành Nghị định để triển khai thực hiện.
Ngọc Thư