(ĐN)- Chiều 10-3, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị "Tăng cường phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân", thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện của Thủ tướng Chính phủ ở khu vực phía Nam.
(ĐN)- Chiều 10-3, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị “Tăng cường phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân”, thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện của Thủ tướng Chính phủ ở khu vực phía Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị |
Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang thực hiện nhiều đề án giảm tải ở các bệnh viện trung ương và tuyến cuối bằng các mô hình như: bệnh viện vệ tinh, mô hình bác sĩ gia đình, luân phiên các cán bộ y tế về cơ sở theo đề án 1816…, nhưng tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương vẫn diễn ra. Trong khi đó, cả nước có 170 bệnh viện tư nhân với đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ, nhưng tỷ lệ khám chữa bệnh của khối này vẫn rất thấp, chỉ chiếm gần 7% điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú; công suất giường bệnh chỉ đạt 40% và phục vụ khoảng dưới 4% lượt khám bảo hiểm y tế. Điều này cho thấy sự lãng phí khá lớn ở khối bệnh viện tư nhân.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ chia sẻ kinh nghiệm phối hợp công – tư |
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc phối hợp giữa các bệnh viện công lập và tư nhân là rất cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và góp phần giảm tải ở các bệnh viện công. Sự phối hợp này cần được nghiên cứu, thực hiện và vận hành theo một cơ chế mà lợi ích người bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi...trong khuôn khổ của pháp luật cho phép.
Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện hợp tác thí điểm tại một số bệnh viện công – tư cho thấy, có nhiều vướng mắc cần giải quyết do thiếu cơ chế, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, như: cơ chế tài chính khi chuyển giao bệnh nhân từ bệnh công sang bệnh viện tư, quy định bác sĩ làm ngoài giờ, cách tính tiền công cho bác sĩ làm ngoài giờ…
Phương Liễu