Báo Đồng Nai điện tử
En

Người làm tò he trên núi Chứa Chan

09:03, 05/03/2014

Đã 8 năm nay ông Nguyễn Văn Quyền, ngụ tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) theo nghề làm tò he phục vụ du khách gần xa đến viếng cảnh chùa ở núi Chứa Chan

 Quầy hàng tò he của ông Nguyễn Văn Quyền luôn thu hút các bạn trẻ.
Quầy hàng tò he của ông Nguyễn Văn Quyền luôn thu hút các bạn trẻ.

Đã 8 năm nay ông Nguyễn Văn Quyền, ngụ tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) theo nghề làm tò he phục vụ du khách gần xa đến viếng cảnh chùa ở núi Chứa Chan. Vốn xuất thân từ làng nghề truyền thống làm tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội), nhưng vào Đồng Nai ông lại chọn nghề nông để mưu sinh. Khi thấy núi Chứa Chan thu hút đông khách hành hương về viếng cảnh chùa, ông mới nghĩ đến việc làm tò he phục vụ du khách.

Theo ông Quyền, núi Chứa Chan luôn đông khách suốt tháng Giêng nên ngày nào ông cũng mang hộp đồ nghề leo lên lưng chừng núi, ngồi ở một góc nhỏ bên vệ đường đón khách từ sáng sớm đến chiều muộn. Những tháng còn lại, ông chỉ đến bán vào hai ngày cuối tuần và những dịp rằm, dịp lễ. Khi nông nhàn, ông lại chạy xe đi bán dạo tò he ở các cổng trường học, khu tập trung đông trẻ em ở huyện Xuân Lộc.

Ông Quyền chia sẻ, bột nặn tò he được ông tự làm bằng bột nếp. Công việc này cũng rất kỳ công, bột mới mịn đẹp, màu sắc sinh động. Ông sáng tạo ra cả trăm mẫu tò he khác nhau, từ hình con vật, các loại hoa, hình siêu nhân..., trong đó con rồng, con phụng thường phải kỳ công hơn, nhưng ông vẫn lấy đồng giá 10 ngàn đồng/sản phẩm. Tuy là nghề tay trái, ông vẫn rất trân trọng nghề truyền thống đã gắn bó với bao thế hệ cha ông. Ông vui vẻ chia sẻ: “Thấy làm tò he thu hút khách, ở huyện đã có thêm người theo nghề này. Những mùa đông khách, ở đây có 2-3 người cùng nặn tò he phục vụ khách góp phần tạo thêm không khí lễ hội cho khu di tích”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều