Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết để tăng cường hoạt động quản lý, nâng cao chất lượng báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 và dự kiến quy hoạch này sẽ được thông qua vào tháng Tư tới.
Phóng viên tác nghiệp. (Nguồn: TTXVN) |
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 nhằm hướng tới số lượng cơ quan báo chí và ấn phẩm báo chí hợp lý, với chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, bạn nghe đài, xem truyền hình và của toàn xã hội.
Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 dựa trên 5 quan điểm chủ đạo. Trước hết, báo chí phải là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động theo quy định của pháp luật. Mục tiêu của Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 là xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Phát triển báo chí phải đi đôi với quản lý tốt hệ thống báo chí và bảo đảm để các cơ quan báo chí thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích, phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, nâng cao chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ của báo chí.
Việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí trên cơ sở xác định rõ điều kiện hoạt động, tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ để nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí và phát triển mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện trên cơ sở thí điểm xây dựng một số cơ quan báo chí đủ điều kiện.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết cả nước hiện có 838 cơ quan báo chí, trong đó có 199 báo in, 67 đài phát thanh truyền hình, với 17.000 phóng viên được cấp thẻ.
Đánh giá về hoạt động báo chí thời gian qua, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt, tích cực thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí đã góp phần phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những thành tựu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội...
Báo chí cũng góp phần quan trọng trong tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ, bảo vệ các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Trong công tác thông tin đối ngoại, báo chí đã góp phần làm cho người nước ngoài và người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài hiểu biết ngày càng rõ nét và đúng đắn hơn về đất nước, con người Việt Nam, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, trên cơ sở đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đa số các cơ quan báo chí đều hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ theo quy định trong giấy phép thành lập, bảo đảm thông tin trung thực, phù hợp với lợi ích đất nước và nhân dân, góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu, hoạt động báo chí thời gian qua còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm. Hệ thống báo chí nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ; khuynh hướng thương mại hóa trong hoạt động báo chí, khai thác thông tin thiếu chọn lọc, theo kiểu giật gân câu khách, thiếu trách nhiệm với đạo đức xã hội... ngày càng tăng, làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ của báo chí.
Lãnh đạo một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; chưa chú ý xây dựng và tuân thủ đúng quy trình tác nghiệp, thiếu nhạy bén trong xử lý các tình huống; thông tin sai sự thật, thậm chí có thông tin sai sót ở mức độ nghiêm trọng. Một số nhà báo vi phạm đạo đức người làm báo...
Để tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm to lớn trong việc nâng cao nhận thức, niềm tin, định hướng dư luận xã hội, cũng như tích cực tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái thù địch, tập trung tuyên truyền hiệu quả các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực sự là diễn đàn của nhân dân./.
TTXVN